Mối nguy không nhỏ từ đường Trung Quốc
Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết: cả nước còn tồn kho khoảng 400.000 tấn đường, riêng vùng ĐBSCL còn tồn kho 60.000 tấn. Đây được xem là lượng đường tồn kho cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Các chủ nhà máy đường đều cho biết là do tình trạng nhập lậu tràn lan, giá thành cao, sức tiêu thụ trong nước giảm...
Do lượng tồn kho quá lớn dẫn tới giá thành bán ra cũng bị kéo xuống khá nhiều. Cụ thể, giá bán ra thị trường hiện đang chênh khoảng 1.000 đồng/kg so với đầu tháng trước. Mức giá bán lẻ hiện đang có giá từ 16.000 đồng/kg tới 20.000 đồng/kg tùy thuộc loại 1 hay loại 2.
Hàng trăm nghìn tấn đường Trung Quốc nhập về Việt Nam
Trong tình hình đường trong nước đang bị tồn kho, giá giảm thì các doanh nghiệp đang tỏ ra hoang mang, lo ngại trước thực trạng hàng trăm nghìn tấn đường lỏng chiết xuất từ bắp được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế 0% đang tràn vào Việt Nam mỗi năm.
Bà Dương Thị Tô Châu, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), cho biết theo số liệu DN nắm được, năm 2016 loại đường lỏng (không thể kết tinh) được chiết xuất thủy phân hóa học từ hạt bắp có độ ngọt nhập khẩu hơn 47.000 tấn vào Việt Nam. Loại đường này nhập từ Trung Quốc, chủ yếu để sử dụng sản xuất bánh kẹo, nước ngọt.
Nông dân Việt Nam thu hoạch mía. (Ảnh minh họa)
“Đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP.HCM có giá khoảng 12.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước 14.000-17.900/kg đồng tùy loại. Chưa kể độ ngọt của loạt đường lỏng này gấp 1,1-1,3 lần so với đường trắng trong nước. Đáng nói là đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc lại đang được hưởng mức thuế 0% trong khi nhập khẩu đường trắng trong hạn ngạch cũng chịu thuế 5%, ngoài hạn ngạch lên tới 80%” - bà Châu tiết lộ.
Không thay đổi cách làm, khó tồn tại
Các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cũng thừa nhận, việc tồn kho số lượng đường lớn, cộng với giá bán giảm và khó tiêu thụ khiến cho họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là sức ép tiêu thụ từ nay đến thời điểm bắt đầu vào niên vụ ép 2017-2018 (dự kiến cuối tháng 9).
Nếu không giải quyết tốt thì các nhà máy đường tiếp tục gặp khó trong việc thu mua mía nguyên liệu. Bởi hiện nay, có không ít doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL đã công bố giá sàn bảo hiểm và tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu mía với người dân, với giá là 900 đồng/kg mía 10 chữ đường, cân tại nhà máy, xí nghiệp…
Tuy nhiên, sức ép từ việc tồn kho, hay phải đối diện với đường nhập khẩu từ Trung Quốc tràn vào cũng là bài toán đã được dự tính trước. Còn nhớ, ngành sản xuất đường trong nước cũng từng lao đao, kêu khó khi công ty của Bầu Đức được nhập hàng chục nghìn tấn đường từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.
Ngành đường trong nước đang chịu sức ép lớn từ đường Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Khi đó, VSSA đã kịch liệt phản đối vì lo sợ ngành sản xuất đường trong nước sẽ bị giết chết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho nhập đường từ nước ngoài về được xem là "phép thử" đối với ngành mía đường Việt Nam, buộc phải cạnh tranh để nâng chất lượng và giảm giá thành.
Rõ ràng sức cạnh tranh của ngành mía đường trong nước rất có vấn đề xuất phát từ việc năng suất và chất lượng mía của Việt Nam rất thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, giá thành cao, hệ thống phân phối yếu, liên kết giữa các DN và giữa DN với nông dân còn lỏng lẻo…Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, nhưng trong nhóm 10 nước đó, năng suất mía của Việt Nam (64,7 tấn/ha) chỉ cao hơn Pakistan và Indonesia.
Đó là chưa nói tới việc, các doanh nghiệp đường trong nước sẽ làm thế nào khi sự bảo hộ của Nhà nước với ngành mía đường sắp hết “hiệu lực” khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành và thời điểm Việt Nam đưa thuế nhập khẩu mặt hàng đường từ các nước ASEAN xuống mức 0% chỉ còn chưa đầy 3 năm (2018)?
Đến lúc đó, nếu không thay đổi thì ngành mía đường Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn!
Theo Đất Việt