Lọc dầu Dung Quất được định giá 3,2 tỷ USD, cao nhất Việt Nam
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Internet)
Ngày 31/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1938/QĐ-BCT về việc xác định giá trị Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Theo quyết định, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 là 72.879.914.162 đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để BSR thực hiện các công việc tiếp theo nhằm hoàn tất quá trình cổ phần hóa. Từ trước đến nay, khi tiến hành cổ phần hóa, chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt vốn hóa ở mức 3,2 tỷ USD như BSR.
Quyết định về việc cổ phần hóa BSR được Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra ngày 6/11/2015. Đây là động thái nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định 189/2013/NĐ-CP.
Các sản phẩm chính của nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay là xăng Ron 92 và 95, xăng E5/E10, nhiên liệu phản lực Jet A1, dầu hỏa, dầu diesel, dầu nhiên liệu và lưu huỳnh. Kể từ khi đi vào hoạt động đến tháng 5/2017, BSR đã sản xuất được 47 triệu tấn sản phẩm, đạt tổng doanh thu 40 tỷ USD. Trong đó, luỹ kế số tiền nộp ngân sách nhà nước là trên 7 tỷ USD, hơn gấp đôi tổng mức đầu tư (3 tỷ USD).
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 4,81 %; hệ số bảo toàn vốn là 1,091 (>1 thể hiện việc bảo toàn và phát triển vốn). Năm ngoái, BSR có lợi nhuận sau thuế đạt 5.000 tỷ đồng, trước đó năm 2015 cũng đạt 6.000 tỷ đồng.
Dự kiến, BSR sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý 4 năm nay và sẽ chào bán khoảng 5-6% cổ phần. Số còn lại sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược, để tiếp tục đầu tư phát triển phân khúc hóa dầu và chế biến sâu nhằm mang lại hiệu quả cao trong tương lai.
Hồng Anh