Làm gì để chống chọi với cái nắng như thiêu như đốt
Không hoạt động liên tục giữa 2 môi trường quá chênh lệch nhiệt độ
Các bác sĩ khuyến cáo, những ngày nắng nóng, từ trong phòng điều hòa ra (hoặc ngược lại là từ ngoài nóng bước vào phòng điều hòa) cần phải có một thời gian "quá độ" chứ không nên vội bước từ nhà ra ngoài đường luôn.
Bởi khi đó, cơ thể không kịp thích nghi với sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, nhiều người không kịp cần bằng cơ thể, dẫn đến các hiện tượng đau đầu, ngất xỉu…
Tốt nhất, từ trong phòng điều hòa ra (hoặc ngược lại là từ ngoài nóng bước vào phòng điều hòa) hãy dừng chân lại một chút ở cửa, hay chỗ có bóng mát để cơ thể điều hòa cân bằng dần với nóng – lạnh.
Uống nhiều nước
Nhiệt độ quá nóng gây cho cơ thể con người nhiều khó chịu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe hoặc thậm chí tử vong. Đó là do nắng nóng làm cơ thể dễ mất nước, mà có thể gây ra tăng khát, suy nhược, chóng mặt, đánh trống ngực và ngất xỉu. Kiệt sức do nhiệt xảy ra khi cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều mà không kịp bồi phụ nước.
Uống nhiều nước giúp cơ thể bù lại lượng nước đã mất do thời tiết nắng nóng. (Ảnh minh họa)
Vì vậy nên uống nhiều nước và đúng cách để bù lại lượng nước đã mất qua bài tiết. Cách tốt nhất là uống nước hoa quả hoặc các đồ uống dùng cho tập luyện thể thao.
Bổ sung đồ uống giàu chất điện giải
Những loại đồ uống như Aam Panna (kết hợp xoài xanh, đường và các loại gia vị) và nước dừa giúp giữ mát cho cơ thể và cung cấp chất điện giải tự nhiên.
Uống một cốc nước chanh với 1, 2 nhúm muối, 1 thìa đường và một ít baking soda trước khi bước ra ngoài giữa trời hè nóng bức có thể giúp ngăn ngừa say nắng.
Hạn chế uống quá nhiều đồ lạnh
Sau thời gian đi ngoài trời nắng, bạn có cảm giác thèm một cốc nước đá lạnh, đặc biệt là các loại nước ngọt có ga để giảm cơn khát. Nước đá giúp giải cơn khát tức thì, đem lại cảm giác mát lạnh. Tuy nhiên, đây là thời điểm không thích hợp để uống các loại nước trên, thậm chí chúng còn gây hại cho cơ thể. Nếu uống nước đá lạnh lúc cơ thể đang nóng sẽ làm cho các mạch máu trong dạ dày, ruột co thắt lại, làm giảm chức năng dạ dày, dễ dẫn đến đau bụng cấp.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, khi đi ngoài nắng về, bạn nên uống một cốc nước lọc. Bằng cách này, cơ thể sẽ hạ nhiệt từ từ cũng như nhanh chóng thích nghi với nhiệt độ mới, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
Hạn chế ra ngoài vào lúc nắng cao điểm
Thời gian nắng nóng trong ngày thường từ 10 - 17h, nắng nóng cao điểm nhất vào khoảng 13 - 16h. Vì thế, nếu không cần thiết, người dân nên hạn chế đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này.
Để thuận tiện hơn, bạn nên sắp xếp các công việc làm ngoài trời vào buổi sáng và chiều tối, tự điều chỉnh nhịp độ hoạt động khi làm việc ngoài trời nắng.
Mang theo áo chống nắng
Đeo khẩu trang và che chắn bằng quần áo (như váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay, vớ chân...) là cách mọi người thường dùng để chống nắng. Đặc biệt, hãy chọn những chất liệu vải thông thoáng, dễ thấm hút mồ hôi để có thể bảo đảm vừa bảo vệ được da từ tia cực tím, vừa không ngăn cản việc hấp thụ được vitamin D từ trong ánh mặt trời.
Áo chống nắng giúp bạn tránh tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím. (Ảnh minh họa)
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Một số bệnh truyền nhiễm mùa hè gây ra bởi các loại vi trùng. Ngăn ngừa sự phát triển của những loài này có thể là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng bệnh. Bên cạnh đó, mùa hè thường mồ hôi nhiều ở các vùng cổ, mặt, lưng… nếu không chú ý vệ sinh, những chất này không thoát hết sẽ ứ đọng trong ống bài tiết của da. Nó sẽ làm bít lỗ chân lông và kết hợp với vi khuẩn gây viêm da và nấm da.
Phương Nguyên