Là quốc gia đáng sống nhất thế giới nhưng vì sao lao động chất lượng cao lại không mấy 'mặn mà' với Đan Mạch?
Đan Mạch là một trong những quốc gia luôn đứng trong top các nước đáng sống nhất trên thế giới. Khảo sát của Social Progress Imperative (SPI) mới đây cũng cho thấy Đan Mạch đã đánh bại 127 nước khác để trở thành quốc gia có môi trường sống và xã hội hàng đầu thế giới. Tuy nhiên quốc gia đáng sống nhất thế giới này lại đang thiếu lao động nghiêm trọng.
Nghiên cứu của SPI bao gồm những tiêu chuẩn như khả năng truy cập Internet, cơ hội sở hữu nhà ở, chăm sóc sức khỏe… Điều đáng thu hút là báo cáo của SPI không tập trung vào mức thu nhập mà bao gồm nhiều yếu tố để đánh giá mức độ hạnh phúc của người dân cũng như môi trường sống của một nước. Ví dụ như Mỹ có GDP bình quân đầu người cao hơn Đan Mạch nhưng chỉ đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng tài chính Kristian Jensen lại cho biết Đan Mạch đang phải đối mặt với một thách thức thiếu lao động nghiêm trọng, đặc biệt là nhân công trình độ cao. Nguyên nhân chính của tình trạng này là chủ nghĩa bài ngoại ngày một lên cao tại Đan Mạch.
Tỷ lệ thất nghiệp của Đan Mạch rất thấp, đồng nghĩa nguy cơ thiếu nguồn lao động cao
Giới truyền thông nước này tràn ngập những vụ việc liên quan đến chính sách nhập cư chặt chẽ hay tư tưởng bảo hộ thị trường lao động nội địa. Cá biệt, hãng tin Bloomberg mới đây cho biết một nhà thiên văn học người Đan Mạch không thể sống cùng người vợ Mỹ của ông tại quốc gia đáng sống nhất thế giới này chỉ vì "vấn đề quốc tịch".
Bộ trưởng Jensen cho biết chính những quy định hà khắc về nhập cư đã khiến rất nhiều lao động, đặc biệt là nhân công trình độ cao không muốn đến Đan Mạch. Mặc dù rất muốn thu hút thêm lao động nhưng những bộ luật như cho phép tịch thu tài sản có giá trị của người tị nạn trong đợt khủng hoảng người nhập cư năm 2015 đã khiến thị trường Đan Mạch mất điểm.
Hiện nay, Đảng Nhân dân Đan Mạch (DPP) đang cầm quyền và họ đi theo đường lối khá bảo thủ. Thậm chí DPP đang có kế hoạch trình nghị viện thông qua bộ luật kiểm tra tất cả các hoạt động ra vào ở biên giới Đan Mạch, kể cả đối với công dân Liên minh Châu Âu (EU), hủy bỏ quy ước tự do đi lại giữa các nước thành viên trong EU cũng như cấm hoàn toàn việc nhận người tị nạn.
Tăng trưởng dân số của Đan Mạch thấp hơn nhiều nước láng giềng
Theo ông Jensen, chính phủ Đan Mạch đã khiến các thủ tục nhập cư chặt chẽ hơn 64 lần so với cách đây 16 năm, bao gồm việc cắt giảm trợ cấp tài chính cho người tị nạn hay siết chặt quy trình nhập cư với người nước ngoài.
Nếu không có lao động nhập cư, nền kinh tế Đan Mạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn do nhân công địa phương không hào hứng mấy với những chính sách kích thích kinh tế của chính phủ như giảm thuế. Điều này tạo nên một hệ quả rất xấu khi các công cụ kích thích tăng trưởng như tăng cường chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Nền kinh tế của quốc gia đáng sống nhất thế giới đang chật vật sau cuộc đổ vỡ thị trường bất động sản và khủng hoảng tài chính năm 2008. Tăng trưởng năm 2016 của Đan Mạch đạt 1,3% và năm nay dự tính đạt 1,7%. Báo cáo vào tháng 5 vừa qua của chính phủ cho thấy lao động nước này sẽ hoạt động hết công suất vào năm 2018 nếu không có sự bổ sung của nguồn cung nhân công mới.
Bộ trưởng Jensen cho biết Đan Mạch có thể cắt giảm thuế để thúc đẩy người lao động tham gia thị trường. Tuy nhiên, vấn đề là mức sống cao, môi trường tốt khiến không nhiều người hứng thú với biện pháp này. Hệ quả là quốc gia đáng sống này tiếp tục thiếu lao động vì chất lượng sống quá tốt.
Ông Jensen nhận định nếu Đan Mạch không có biện pháp giải quyết tình hình cũng như nhận thêm lao động nhập cư, mục tiêu tăng trưởng 2-3% của chính phủ sẽ khó lòng đạt được.
Băng Tâm