Krasukha-4 của Nga khiến Mỹ mất 36/59 quả Tomahawk - Hoang đường!
Hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi quanh con số được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra, nhưng gần như ngay lập tức đã xuất hiện giả thiết nhằm lý giải về hiệu suất kém đến mức khó tin của tên lửa hành trình Tomahawk.
Ngoài ý kiến cho rằng Tomahawk bị S-400, Pantsir-S1 lặng lẽ bắn chặn, thì hầu hết đều cho rằng tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga đang có mặt tại Syria đã phát huy tác dụng, gây nhiễu hệ thống định vị GPS của Tomahawk khiến nó chệch mục tiêu. Nhận định trên liệu có chính xác?
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk - TLAM (Tomahawk Land Attack Missile)
Trước tiên cần xác định rằng TLAM là loại tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính (INS) kết hợp cùng hệ thống định dạng mặt đất (TERCOM), đây chính là công nghệ lõi của nó. Những phiên bản nâng cấp sau này bổ sung cơ chế tham chiếu qua hệ thống định vị toàn cầu (GPS) nhằm giảm bớt sai số của INS TERCOM chứ không để phải thay thế.
Bởi vậy kể cả khi Krasukha-4 phát huy tác dụng và cắt được đường liên kết GPS của TLAM thì cũng chỉ gây giảm độ chính xác của Tomahawk chứ không làm mất hoàn toàn quỹ đạo của đạn.
Muốn thực sự đánh lừa Tomahawk cần gây nhiễu phần lớn quỹ đạo giai đoạn cuối của nó, tức là phải giả lập được môi trường GPS, TERCOM trên chiều dài hàng trăm km tính từ mục tiêu, điều này gần như bất khả thi.
Không đơn giản chỉ cần gây nhiễu GPS thông qua hệ thống Krasukha-4 (ảnh) là có thể vô hiệu hóa Tomahawk
Bên cạnh gây nhiễu GPS, còn một phương pháp nữa được nhắc tới là làm sai lệch thiết bị đo độ cao của Tomahawk thông qua khí tài chế áp điện tử, nhưng điều này cũng chẳng dễ dàng gì.
TLAM được trang bị một radar đo cao để xác định tham số cho máy tính dẫn đường, ngoài ra nó còn có hệ thống vẽ bản đồ địa hình từ trên không bằng tia laser (LIDAR) và tọa độ 3D tham chiếu qua GPS nhằm đối chứng giá trị thang đo. Vô hiệu hóa tổ hợp phức tạp này không đơn giản chỉ là dùng Krasukha-4 phát sóng gây nhiễu lên không trung.
Vậy còn phương án ngụy trang mục tiêu bằng khói bụi để đánh lừa Tomahawk?
Đạn TLAM nhận diện mục tiêu qua giao thức DSMAC - Hệ thống so sánh ảnh quang học kỹ thuật số về vị trí mục tiêu mà nó sẽ tấn công.
Thế hệ TLAM đầu tiên dùng camera khuếch đại ánh sáng hồng ngoại và bắt đường biên tương phản (corelation) để so khớp ảnh, nó vướng nhược điểm là có thể bị lóa chế áp và giảm năng lực khi môi trường nhiều khói bụi, sương mù hay bão tuyết. Tuy vậy các đời TLAM sau dùng camera ảnh nhiệt cận hồng ngoại tầm hoạt động lên đến 40 km đã khắc phục tốt vấn đề trên.
Máy bay chiến đấu của Syria bị tên lửa hành trình Tomahawk phá hủy
Tóm lại, làm sai lệch quỹ đạo hay cản trở nhận diện mục tiêu của TLAM không đơn thuần chỉ là triển khai thiết bị gây nhiễu sóng GPS, hay ngụy trang vùng cận mục tiêu bằng khói bụi.
Điều kiện tiên quyết ít nhất là phải giả lập được môi trường GPS, TERCOM một vùng vài trăm km quanh mục tiêu, hoặc/ và ngụy trang mục tiêu kém tương phản đến mức không thể nhận diện qua camera ảnh nhiệt. Thực hiện đầy đủ những biện pháp trên chẳng đơn giản, thậm chí còn phải khẳng định là bất khả thi với điều kiện hiện nay tại Syria.
Trong diễn biến mới nhất, Mỹ đáp trả Nga rằng thực tế 58/59 quả Tomahawk đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ có duy nhất 1 quả không được kích hoạt do trục trặc kỹ thuật, tuyên bố Krasukha-4 vô hiệu hóa TLAM chỉ đơn giản nhằm mục đích "dìm hàng" vũ khí Mỹ mà thôi!
Điều này xem chừng rất thuyết phục vì Nga không thể đưa ra bằng chứng 36 quả TLAM đã "mất tích", trong khi nếu bị rơi dọc đường thì chừng ấy vụ nổ của đầu đạn lẫn nhiên liệu tồn dư, cùng với các thành phần còn sót lại chẳng thể nào che giấu nổi giới truyền thông, sẽ là cơ hội vàng để trưng bày như một cách chứng minh sự yếu kém của vũ khí Mỹ.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Việt Nam chế tạo thành công đầu tự dẫn của ngư lôi săn ngầm
Nam Đồng