Kinh nghiệm phát triển 'tam nông' của Nhật Bản là bài học quý báu cho Việt Nam
Sáng nay 6/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Hội thảo tập huấn về “Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Tham dự Hội thảo còn có Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; lãnh đạo của 7 bộ, ngành Việt Nam; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda; Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, Chủ tịch Viện nghiên cứu Đông Á Nhật Bản Tsutomu Takebe; Thượng nghị sĩ, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe cùng các chuyên gia cao cấp của JICA…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP
Đánh giá cao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo đúng thời điểm Trung ương Đảng đang tổng kết 10 năm thực hiện NQ số 26-NQ/TW HNTW 7 khóa X về tam nông, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng những kiến nghị, đề xuất của Hội thảo sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo phục vụ tổng kết cũng như góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới.
Xây dựng mô hình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng đã phát triển thành nước có nền kinh tế xếp thứ 3 thế giới với nền nông nghiệp hiện đại. Đời sống nông dân được bảo đảm và có các chính sách an sinh xã hội tốt.
Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng xuất khẩu nhờ nền nông nghiệp công nghệ cao với chuỗi giá trị hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng từ thực tiễn lịch sử phát triển cho thấy, nông nghiệp-nông dân-nông thôn của Việt Nam và Nhật Bản có khá nhiều nét tương đồng, cùng thuộc nền văn minh lúa nước với loại cây canh tác chủ lực là lúa gạo. Sự thành công của Nhật Bản trong phát triển “tam nông” sẽ là những kinh nghiệm quý báu để Hội nông dân Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tham dự Hội thảo cập nhật những thông tin, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm hữu ích để có thể vận dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách cho những định hướng lớn về phát triển tam nông tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VGP
Từng chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Bắc Giang hồi tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cách làm OCOP là việc tham khảo một trong những kinh nghiệm thành công điển hình trong phát triển tam nông của Nhật Bản từ những năm 1980. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện Chiến lược kinh tế-xã hội nói chung, cần chú ý phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển như đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, lòng tự hào, khả năng sáng tạo, văn hóa...
“Chúng tôi tin rằng việc học tập những kinh nghiệm về phát triển tam nông của Nhật Bản để áp dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Nam là thiết thực để có thể giải quyết được căn bản những yếu kém, thách thức của nông thôn, nông nghiệp Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng.
Đồng thời Phó Thủ tướng hy vọng hai bên hướng đến triển khai Chương trình hợp tác nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tại Việt Nam trong tầm nhìn trung và dài hạn với kỳ vọng xây dựng thành công mô hình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp trong khu vực.
Tín dụng tam nông giúp xóa đói, giảm nghèo
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo: Kinh nghiệm của Việt Nam” do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH), Hiệp hội Tín dụng nông nghiệp nông thôn châu Á - Thái Bình Dương và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế tổ chức ngày 5/9, tại Hà Nội.
Theo ông Đào Minh Tú, sau hơn 30 năm đổi mới, tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo tại Việt Nam luôn được Đảng, Chính phủ và ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, các chương trình tín dụng của ngành ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo là một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Nhờ vậy, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nghèo được thể hiện qua một số kết quả nổi bật.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Thời báo Ngân hàng
Theo đó, hệ thống cơ chế, chính sách không ngừng được đổi mới, hoàn thiện mạnh mẽ theo hướng mở rộng cả về đối tượng, hạn mức và thủ tục vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mạng lưới các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực “tam nông” không ngừng được mở rộng về quy mô, hệ thống mạng lưới, đa dạng về loại hình hoạt động với 47 ngân hàng, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 27 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 4 tổ chức tài chính vi mô và trở thành kênh truyền dẫn vốn hiệu quả đến tận từng thôn bản, làng xã trên khắp mọi miền đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại được các TCTD chú trọng đầu tư, đổi mới, tạo điều kiện cho khách hàng, nhất là người nghèo dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí giao dịch thấp như: Internet banking, Mobile banking…
Việc học hỏi kinh nghiệm các nước và vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn tại Việt Nam với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ đạt hiệu quả cao. Trong đó, các thông lệ tài chính cho khu vực nông thôn được NHCSXH triển khai bài bản, sáng tạo thu nhiều kết quả tốt như: Cho vay qua các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…); hình thành tổ vay vốn và tiết kiệm, tạo sự tương trợ, giúp đỡ gắn kết trong cộng đồng; hình thành các điểm giao dịch tại xã; tổ chức cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch của chị em nghèo… với phương châm “người nghèo vừa được trao phương tiện vừa được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm”.
Ông Đào Minh Tú khẳng định nhờ các cơ chế chính sách, tín dụng cho khu vực “tam nông”, cho người nghèo có mức tăng vượt bậc. Dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân gần 20%/năm, tín dụng chính sách tăng bình quân trên 13%/năm, đáp ứng có hiệu quả nguồn vốn cho nhu cầu phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân.
Nông nghiệp là yếu tố giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Yasushi Tanaka nhìn nhận nhiều nhân tố giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, trong đó có nông nghiệp. Đó là chính sách mở cửa thị trường mạnh mẽ, quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ, có trình độ và tay nghề cũng như những lợi thế về địa lý, giao thông đường biển… Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức về hạ tầng chưa hoàn thiện, năng lực logistics còn yếu, cơ cấu kinh tế còn bất hợp lý, ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu. Với kinh nghiệm hàng chục năm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, JICA đề xuất Chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nên chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng có chất lượng qua khai thác tiềm năng cao trong nông nghiệp ở các vùng lãnh thổ. “Việt Nam cần phát triển các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp không phải là các công ty sản xuất theo hình thức gia công xuất khẩu. Coi trọng thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm”, ông Yasushi Tanaka đề nghị. Đồng thời, ông Tanaka đề nghị Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp liên quan tới hợp tác công-tư. JICA sẵn sàng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản sở hữu công nghệ tiên tiến nhưng không có mạng lưới ở nước ngoài. |
N.H (t/h)