Khai thác quá mức, nước ngầm tiếp tục bị suy thoái nghiêm trọng
(Ảnh minh họa: Vietnam+)
Thông tin trên được ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Giải pháp xanh cho nguồn nước” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội.
Chia sẻ thêm về hiện trạng nguồn nước ngầm, ông Huy cho biết, hiện nay tình trạng suy thoái, cạn kiệt đã và đang xảy ra ở một số tầng chứa nước, làm gia tăng diện tích nhiễm mặn, điển hình là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, tại nhiều nơi cũng chưa kiểm soát, giám sát được các hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm, đặc biệt là các giếng khoan đơn lẻ công suất nhỏ, từ đó dẫn tới gây sụt lún, phổ biến như ở các huyện ngoại thành của Hà Nội.
Tính đến nay, trên cả nước có hàng trăm nghìn giếng khoan kiểu UNICEF đã bị bỏ hoang, không được trám lấp tiềm ẩn nguy cơ lan truyền ô nhiễm, nhiễm mặn giữa các tầng nước.
“Việc hạ thấp mực nước do khai thác nước ngầm được xem như một trong những nguyên nhân gây sụt lún mặt đất. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực bán đảo Cà Mau hiện có tốc độ lún trung bình khoảng 2-4cm/năm và vẫn tiếp tục gia tăng theo thời gian”, ông Triệu Đức Huy nhấn mạnh.
Trước thực trạng nêu trên, ông Triệu Đức Huy kiến nghị cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và các nguồn lực hợp tác quốc tế trong điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
Về quy hoạch tài nguyên nước, ông Triệu Đức Huy cho rằng cần tập trung xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, trước hết là ở 2 lĩnh vực sông Hồng - Thái Bình và sông Mekong; trong đó chú trọng xây dựng các giải pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; ứng phó và khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước...
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề thách thức lớn ở nước ta hiện nay. Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước vẫn xảy ra thường xuyên và trên diện rộng.
Hậu quả của việc xả thải nguồn nước trên là một số con sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng nước của nhiều dòng sông không đáp ứng yêu cầu của các mục đích sử dụng.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, nguyên nhân trực tiếp và sâu xa được xác định là do việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa bền vững ở cả các quốc gia thượng nguồn cũng như trong nội tại đất nước ta.
Chính vì thế, Thứ trưởng Trần Quý Kiên bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ là một diễn đàn để trao đổi, chia sẻ các kiến thức, sự hiểu biết liên quan đến các chính sách quản lý tài nguyên nước, quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước và đặc biệt là các giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn nước dựa vào thiên nhiên một cách bền vững.
Từ góc độ quốc tế, ông Abedalrazq Khalil, chuyên gia cao cấp về quan lý tài nguyên nước thuộc Ngân hàng Thế giới thẳng thắn đánh giá, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong quan lý tài nguyên nước, tuy nhiên việc khai thác và sử dụng nguồn nước vẫn còn thiếu bền vững.
Thực tế là, hiện nay nhu cầu về sử dụng nước đang ngày càng tăng, nhưng khả năng cung cấp nước lại giảm, việc tái sử dụng nước chưa được triển khai hiệu quả.
Từ thực tế nêu trên, đại diện của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường quản lý tài nguyên nước; lồng ghép rủi ro về nước và cung cấp dịch vụ nước về vệ sinh vào quy hoạch đô thị; kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường tốt hơn...
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, hiện nay, tài nguyên nước dưới đất tại Việt Nam có tổng trữ lượng tiềm năng toàn quốc là 181,23 triệu m3/ngày (66,24 tỷ m3/năm); tổng trữ lượng có thể khai thác là 45,59 triệu m3/ngày (16,66 tỷ m3/năm); hiện trạng khai thác nước dưới đất là 10,39 triệu m3/ngày (3,8 tỷ m3/năm). |
Hùng Võ