“Hy vọng Chính phủ mới chọn được bộ trưởng mạnh dạn”
Đại biểu Trần Văn Độ trên diễn đàn Quốc hội
Nhận xét trên được đại biểu Quốc hội, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương - đưa ra trước thềm phiên miễn nhiệm Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ đương nhiệm.
Lo nhất là nợ
Nhìn lại nhiệm kỳ của cơ quan hành pháp cao nhất, dấu ấn nào là sâu đậm nhất với cử tri và đại biểu Quốc hội, thưa ông?
- Nhiệm kỳ vừa qua Chính phủ phải xoay xở trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, phải chèo chống trong tình hình mà với những nền kinh tế lớn cũng rất khó khăn chứ đừng nói tới quy mô như nền kinh tế của ta. Nguồn thu, năng lực cạnh tranh đều khó. Rồi vấn đề biển Đông cũng ảnh hưởng rất lớn.
Nhưng Chính phủ đã cố gắng rất lớn, vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế, năm sau cao hơn năm trước.
Thứ hai, trong nhiệm kỳ vừa rồi, cơ sở hạ tầng, dù còn hạn chế này khác, nhưng rõ ràng là cải thiện nhiều, nhất là hạ tầng giao thông.
Mặc dù vậy, nếu so sánh với các nước xung quanh, kể cả Lào, Campuchia thì Việt Nam vẫn được đánh giá là khá trì trệ?
Đúng vậy, mình nhìn vào tăng trưởng thì vẫn cao nhưng nền kinh tế vẫn yếu, về tuyệt đối thì rõ ràng là không cao. Có rất nhiều hạn chế mà lo ngại nhất tôi thấy là nợ công.
Báo cáo đi báo cáo lại với Quốc hội, Chính phủ vẫn khẳng định là nợ công an toàn nhưng số liệu không thể hiện như thế. Một số địa phương tăng trưởng không phải là thực chất mà là tăng suất đầu tư. Rồi nhìn vào tổng đầu tư toàn xã hội thì tiền cho đầu tư phát triển chỉ là 30%, chi thường xuyên vẫn tới gần 70%..., nhìn vào cảm thấy lo lắm.
Rõ ràng, hiệu quả đầu tư rất thấp. Con số này với những người quan tâm sâu rất đáng e ngại.
Rồi giờ Quốc hội đã quyết một số công trình, một số dự án giao thông rất lớn..,. cũng chủ yếu dựa trên tiền đi vay... Ta vay mượn thì cũng phải trả chứ. Nguồn lực xã hội có là đi vay về để tiêu dùng thì cũng phải trả.
Thời gian tới, liệu điều đó có làm kìm hãm sự phát triển? Đến hạn trả nợ, nói là nợ trung hạn chứ chưa tính tới dài hạn, đã không biết làm thế nào để trả.
Như ông nói thì có thể thấy mỗi diễn biến của tình hình kinh tế xã hội những năm qua đều thể hiện dấu ấn của cơ quan điều hành, nhất là các vị "tư lệnh" mỗi ngành, lĩnh vực. Quốc hội cũng đã tiến hành đánh giá tín nhiệm đối với những “tư lệnh” này. Qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm, kết quả có tương xứng với những diễn biến của kinh tế xã hội?
Mấy hôm vừa rồi, chưa nói đến các thành viên Chính phủ, tôi thấy các chức danh đứng đầu các cơ quan Nhà nước khi miễn nhiệm thì đều thấy đánh giá là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Và chắc là khi miễn nhiệm các thành viên Chính phủ thì cũng có đánh giá vậy thôi, nhưng đi sâu vào các vấn đề thì trong từng lĩnh vực, đều có thể thấy còn không ít băn khoăn.
Tất nhiên có những vấn đề cũng phải thông cảm vì đó là những tồn tại lớn, qua thời gian dài như vấn đề giáo dục, y tế, nông nghiệp - nông thôn - nông dân…
Nhưng tôi thấy trong nhiều lĩnh vực, ta vẫn hoay loay, không thấy đường đi thật rõ, chưa thấy hướng tháo gỡ sáng sủa, như về môi trường, nông nghiệp. Giáo dục cũng vẫn chỉ loay hoay trong mấy kỳ thi, kỳ thi này thế này, kỳ thi kia thế kia. Như vậy là giải quyết không thực chất những vấn đề tồn tại.
Điều hành trong Chính phủ vẫn chưa rõ, vẫn chưa thấy một chính sách, một quan điểm tư tưởng nhất quán và đồng bộ với tất cả các lĩnh vực để ổn định và phát triển lâu dài.
Vậy với những lĩnh vực còn trì trệ, qua cả nhiệm kỳ chưa có nhiều chuyển biến, chưa thể hiện quyết tâm của các tư lệnh ngành , từ góc nhìn của một đại biểu để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người phụ trách những ngành, lĩnh vực này thì ông thấy thế nào?
Không thể đánh giá chỉ một câu là hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không, mà phải nhìn nhận, có những việc đã hoàn thành tốt, có những việc thì chưa hoàn thành, còn tồn tại, hạn chế. Mà nói như Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, thì thôi có gì thì để lại cho bộ trưởng của nhiệm kỳ mới.
Nhưng rõ ràng trong một số lĩnh vực, đặc biệt nhiều luật, Quốc hội ban hành phải nói là tốt rồi, nhưng có tồn tại quen thuộc là khi đưa luật vào cuộc sống thì không ổn, là cơ quan chấp hành mà không triển khai thực hiện tốt luật. Đó là thiếu sót.
Nhiệm kỳ qua ta cũng làm Hiến pháp, Hiến pháp mới phải nói là rất tốt, nhưng khi ban hành những luật để cụ thể hoá hiến pháp thì lại bắt đầu len lỏi những tư tưởng cục bộ vào, nên đi lùi so với tinh thần hiến pháp, lùi dần từ luật xuống đến thông tư, nghị định…
Nhiệm kỳ mới phải dứt khoát đổi mới, đặc biệt trong quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, công tác cán bộ…
Không rõ thì phải tin vào sự chuẩn bị
Vẫn liên quan đến đánh gía cán bộ thì lấy phiếu tín nhiệm thì tại lần đầu tiên, nhiều tư lệnh ngành như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Giao thông Vận Tải Đinh La Thăng khi mới bầu vào Chính phủ thì được coi là những nhân tố trẻ, năng động, nhưng ông Bình là người nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, ông Thăng cũng không thuộc diện cao nhất. Nhưng sau đấy, đến lần thứ hai lấy phiếu thì hai ông được coi là có bước nhảy vọt về tín nhiệm. Mới đây thì cả hai ông được bầu vào Bộ Chính trị. Ông nhận định thế nào về bước tiến của hai thành viên Chính phủ này?
Tôi không phải là một nhà kinh tế nên việc theo dõi, nắm bắt về hai anh nói trên hơi khó, nhưng tôi nghĩ bằng việc làm của mình, các anh đã lấy được lòng tin của người dân.
Trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan điều hành đã giữ ổn định được tình hình, kìm giữ được lạm phát. Lĩnh vực giao thông vận tải thì như tôi đã nói cơ sở hạ tầng giao thông cải thiện rất đáng kể. Hai anh cũng có những điều hành rốt ráo về bộ máy, về con người.
Nhìn những những biểu hiện đó thì người dân hy vọng và thấy được truyền lửa. Mà đại biểu Quốc hội là đại diện cho người dân cho cử tri, người ta cũng nghĩ đây là những biểu hiện ban đầu. Còn để đánh giá sâu hơn thì phải có ý kiến của chuyên gia.
Vậy ông có cho rằng kết quả tín nhiệm qua các lần đánh giá có tác động tới hai vị nói trên không?
Tôi thì cho là tác động không nhiều, vì thực tế mà nói, phiếu tín nhiệm như ở ta đánh giá chưa thực chất được.
Giờ tôi vẫn giữ quan điểm như đã nói trước Quốc hội là lấy phiếu tín nhiệm thì chỉ ở hai mức “tín nhiệm/không tín nhiệm” và sau đó đánh giá người nào nhận tín nhiệm nhiều, thì nghĩa là tín nhiệm với người đó cao. Đại biểu Quốc hội khi bỏ phiếu đánh giá cũng là cảm tính nhiều.
Trong tuần này, Quốc hội sẽ thực hiện kiện toàn nhân sự Chính phủ, mà có lẽ khá nhiều trong số họ không phải đại biểu Quốc hội, với đa số đại biểu Quốc hội đương nhiệm không được quen thuộc lắm. Mà quy trình là đại biểu chỉ được nghiên cứu hồ sơ tại đoàn thôi rồi ra Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn, ông nghĩ thế nào về việc này?
Ở Việt Nam, Đảng là lực lượng lãnh đạo tuyệt đối, đặc biệt công tác nhân sự là của Đảng. Có lẽ đại biểu Quốc hội phải tin vào sự đánh giá, sự bố trí của Đảng thôi.
Nếu biết rõ để tự đánh giá thì chắc chắn hơn, yên tâm hơn, nhưng không rõ thì phải tin vào sự chuẩn bị của Đảng chứ. Qua Đại hội 12, Trung ương đã thảo luận về vấn đề này. Thực tế chỉ có những người đứng đầu thì mới có hoạt động vận động ứng cử, đưa ra cương lĩnh hành động thôi, còn lại do người có thẩm quyền cao nhất giới thiệu lên, thì không có con đường nào khác là phải tin Đảng.
Như trên ông nói, thì còn không ít những bức xúc trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ chưa có hướng tháo gỡ thật rõ ràng. Vậy theo ông, nhiệm kỳ mới Chính phủ sẽ phải giải quyết thế nào cho hiệu quả hơn?
Tôi hy vọng qua các phiên thảo luận tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng thì những vị bộ trưởng trong nhiệm kỳ mới sẽ tham khảo những ý kiến đó, rút ra bài học kinh nghiệm, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế để khắc phục, tháo gỡ.
Với bất cứ người đứng đầu ngành, lĩnh vực nào, có sự quyết tâm, làm việc với tinh thần vì nhân dân, vì đất nước, thì sẽ nâng cao hình ảnh, uy tín của người đó hơn và việc đó chắc chắn là mang lại lợi ích cho đất nước.
Để người đủ tâm huyết họ làm
Như phán đoán của ông, tới đây khi thực hiện miễn nhiệm các thành viên Chính phủ, đánh giá cũng là hoàn thành tốt nhiệm vụ thôi. Là một đại biểu, ông có băn khoăn không với việc thông qua nghị quyết miễn nhiệm với nội dung như vậy?
Tôi thì nghĩ, thôi thì trên Đảng đã chỉ đạo rồi, đánh giá để thực hiện bàn giao cho Chính phủ mới sớm bắt tay vào công việc. Có lẽ khi bàn giao công việc người ta sẽ đánh giá cụ thể hơn, còn ra nghị trường Quốc hội thì chỉ miễn để bổ nhiệm mới.
Hy vọng là Chính phủ mới chọn được những bộ trưởng là người có tay nghề, có hiểu biết và tâm huyết, mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình, chứ đừng căn ke nhìn trước nhìn sau, nhìn trái nhìn phải, rồi mới làm.
Như anh Đinh La Thăng, người dân thích nhất ở anh ấy chính là tinh thần hành động, con người hành động. Tất nhiên từ hành động cụ thể phải đi đến hoạch định chính sách nữa.
Trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp này, có đại biểu đã đánh giá: “Nếu Thủ tướng mạnh mẽ cách chức những bộ trưởng ngay khi thấy khả năng không hoàn thành nhiệm vụ chứ không để thời gian trôi đến cuối nhiệm kỳ thì tình hình đã khác”… cũng thể hiện phần nào sự đánh giá với những vị tư lệnh có sức ỳ lớn. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Với anh Thăng, nếu cấp dưới mà người này người kia để công việc trì trệ, anh Thăng thay ngay, mục đích không phải để kỷ luật ai đâu, mà để công việc trôi hơn, hiệu quả hơn.
Vì một người mà đặt không đúng vị trí, được để ở chỗ để quyết một việc không được chậm trễ, mà lại để cơ hội trôi qua mất, thì việc đó chính là làm tốn kém không biết bao nhiêu mà kể của dân.
Người lãnh đạo phải làm việc đó, không đủ năng lực thì không bổ nhiệm, hoặc bổ nhiệm rồi mà không đủ năng lực thực hiện công việc, thì phải chuyển công việc khác phù hợp hơn, để những người đủ năng lực, đủ tâm huyết họ làm.
Theo VnEconomy