Hòn đảo của những người bạch tạng: Không còn cái chết hay sự xa lánh của cộng đồng
Ánh bình minh vừa rạng soi trên hòn đảo Ukerewe, nằm giữa hồ Victoria, Tanzania, người đàn ông 57 tuổi Alphonce Yakobo lặng lẽ rời khỏi căn nhà mình. Đây chắc là thời điểm dễ chịu nhất trong ngày khi làn da hay khuôn mặt ông không bị thiêu đốt dưới cái nắng châu Phi.
"Đây có lẽ là thời điểm tuyệt vời nhất trong ngày: Một ngày mới bắt đầu và mặt trời còn chưa ló rạng hẳn". Đến khi mặt trời lên, Yakobo sẽ phải đội chiếc mũ rộng vành, đeo kính râm và che chắn những phần da bị lộ dưới ánh nắng.
Những người bạch tạng tại Ukerewe có cuộc sống khá hạnh phúc và thoải mái.
Yakobo đã mắc hội chứng bạch tạng từ khi mới chào đời. Cơ thể của anh không sản sinh ra melanin khiến da, tóc và mắt không có sắc tố và rất dễ bị ảnh hưởng dưới ánh mặt trời. Cũng như những bệnh nhân bạch tạng khác, Yakobo sở hữu thị lực kém và rất dễ mắc ung thư da.
Tuy nhiên, ánh nắng mặt trời không phải mối đe dọa duy nhất đối với người bạch tạng.
Tại Tanzania, cũng như Malawi và nhiều vùng khác trong khu vực cận Sahara tại châu Phi, những thầy phù thủy tin rằng tay chân của người bạch tạng là một nguyên liệu quan trọng trong phép làm tà thuật nhằm mang đến sự thịnh vượng và vận may cho khách hàng. Chính vì vậy, người bạch tạng là đối tượng bị thợ săn lùng sục khắp nơi. Nhiều người đã bị giết dã man và cướp đi các bộ phận, cơ quan nội tạng của cơ thể.
Tổ chức từ thiện Canada "Under the Same Sun" ước tính có khoảng 161 vụ tấn công người bạch tạng tại Tanzania mỗi năm, bao gồm 76 vụ giết người. Con số này nhiều hơn bất cứ nơi nào trên khắp lục địa đen.
Hòn đảo Ukerewe.
Tuy nhiên tại Ukerewe, những người bạch tạng có cuộc sống an toàn hơn và không phải đối mặt với nguy cơ từ những kẻ săn người.
"Đã từng có lúc, tôi thấy sợ hãi quá khứ. Nhưng giờ đây, tôi có thể cảm ơn Chúa trời vì đã có những giấc ngủ yên giấc, không phải sợ hãi tiếng súng của những kẻ săn người", Yakobo cho biết. Hiện tại, anh đang làm nghề lái buôn cá tại chợ Ukerewe.
"Ở đây, chúng tôi an toàn, xung quanh mênh mông là nước. Không ai có thể giết hay làm hại chúng tôi. Họ cũng không thể thoát khỏi hòn đảo dễ dàng được". Hiện tại, cuộc sống của Yakobo khá yên ấm; anh có 3 người vợ và 11 người con.
Trong suốt nhiều năm, Ukerewe đã trở thành "thiên đường" cho những người bạch tạng.
Người ta kể lại rằng nhiều năm trước, các gia đình đã vứt bỏ con cái, họ hàng bị bạch tạng của mình trên hòn đảo này. Nhiều cộng đồng tin rằng những đứa trẻ bị bạch tạng đã bị quyền rủa. Tuy nhiên, không những không tuyệt vọng, người bạch tạng đã sống sót và tạo lập cuộc sống ở đây. Họ sống dựa vào nhau và cùng nhau sinh sống.
Theo hội người bạch tạng Ukerewe, có khoảng 75 người bạch tạng đang sống trên hòn đảo với dân số 200,000 người. Tỷ lệ này khá ngang với tỷ lệ trên toàn đất nước Tanzania.
Những đứa trẻ trong một buổi sinh hoạt của người bạch tạng trên đảo.
Tại hòn đảo này, trước đây đã từng có những kẻ săn người bạch tạng đến để đào hài cốt của người bạch tạng. Năm 2007, một người cũng đã bị tấn công và vợ của anh đã bị cắt tóc để làm tà thuật.
"Tuy nhiên chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến vụ sát hại người bạch tạng nào trên đảo", Ramadhan Khalifa, chủ tịch hiệp hội người bạch tạng Ukerewe chia sẻ.
"Ukerewe là một nơi đặc biệt như vậy đấy. Đây là nơi mà người bạch tạng có thể sống thoải mái và hòa hợp với những người dân khác".
"Tôi không sợ bị tấn công", Kajanja Neema, 36 tuổi chia sẻ. Anh chàng này làm công việc bán cá trên phố. Anh trai của Kajanja, Zacharia cũng cho biết:
"Ukerewe an toàn hơn những nơi khác nhiều. Tuy nhiên, mọi thứ cũng không phải hoàn hảo. Thỉnh thoảng, có những người dọa rằng họ sẽ giết chúng tôi. Chẳng ai biết rằng đấy là lời nói đùa hay họ có ý như vậy".
Skye