Hình ảnh chà vá chân đỏ Việt Nam gây chú ý ở Anh
Những chú chà vá được dựng ở London có chiều cao gần 2m. Những chú khỉ được dựng lên trên cầu Westminster là đại diện cho loài động vật quý hiếm và bị đe dọa – loài chà vá chân đỏ được tìm thấy ở rừng Khe Nước Trong thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Khe Nước Trong là địa điểm đầu tiên thực hiện dự án những “Cầu sinh học”.
Hình ảnh loài chà vá chân đỏ Việt Nam xuất hiện ở London, Anh
Sáng kiến “Cầu sinh học” này nhằm giúp phục hồi và bảo vệ những môi trường sống bị đe dọa trên thế giới. Cụ thể “Cầu sinh học” giúp phục hồi cuộc sống hoang dã, những vùng đất bị tàn phá và giúp những chủng loài bị đe dọa kết nối lại với các cộng đồng địa phương để phát triển.
Với tháp đồng hồ Big Ben – một trong những địa điểm nổi bật nhất Vương quốc Anh làm nền, hình ảnh những chú chà vá chân đỏ nổi bật giữa cảnh quan của London, làm biểu tượng cho nhu cầu sinh thái để liên kết các môi trường sống lại với nhau và phục hồi những môi trường bị đe dọa. Dự án “Cầu sinh học” nhằm mục đích tái tạo và bảo vệ 75 triệu m2 rừng khỏi nạn khai thác, săn bắn không bền vững.
Nhiều người bày tỏ niềm thích thú với các chú chà vá bằng cây xanh
“Cầu sinh học” tái tạo, kết nối lại vòng ngoài giữa khu rừng mưa nhiệt đới và liên kết các chủng loài cũng như những thực vật bị cô lập và đang bị đe dọa, cho phép chúng được sinh sản, phát triển lại. Một phần khác không thể thiếu của chương trình là để các cộng đồng địa phương tham gia vào việc bảo vệ môi trường sống của “Cầu sinh học” một cách lâu dài bằng việc giúp đỡ những người sống quanh các khu vực đó có một cuộc sống bền vững hơn.
Qua chiến dịch “Help Reggie Find Love” (Giúp Reggie tìm tình yêu) ở các cửa hàng và trên mạng với hình ảnh biểu trưng là những chú chà vá chân đỏ từ Việt Nam, các khách hàng sẽ ủng hộ cho dự án này bằng cách cứ mỗi giao dịch sẽ được trích lại một phần để bảo vệ 1m2 rừng.
Sau Quảng Bình, dự án thứ hai của “Cầu sinh học” sẽ bắt đầu vào cuối năm nay ở Garo Hills, Ấn Độ.