Hãy kiên nhẫn với những người thường xuyên hủy hẹn vào phút chót, rất có thể họ đang mắc chứng sợ xã hội
Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả Duncan Lindsay, đăng tải trên Metro.co.uk*
Bất cứ ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều người bạn thường xuyên thất hẹn hoặc khiến kế hoạch của tập thể bị "đổ bể".
Kịch bản chung đại loại như, ban đầu họ chấp nhận mọi lời mời, mọi cuộc vui và có vẻ sẽ tham gia nhiệt tình. Tuy nhiên, đến phút chót lại vắng mặt với đủ lý do "trời ơi đất hỡi": ốm đau, việc gia đình...
Duncan Lindsay, tác giả và cũng chính là người thường xuyên thất hẹn vì căn bệnh sợ xã hội:
Không phải vì tôi không muốn tham gia tiệc tùng, ăn uống cùng bạn bè, đồng nghiệp hay bày trò cười cho mọi người... Chuyện này khá khó nói.
Về mặt lý thuyết, khi nhận được lời mời từ mọi người, tôi cảm thấy nó khá thú vị vì biết rằng chính mình cũng thích trải nghiệm những thứ hoành tráng và mới mẻ. Thường thì, một phần tôi không muốn bị nhắc đến như một người kém hòa đồng.
Và như thế tôi chấp nhận những lời mời, bản thân cũng hoàn toàn muốn tham gia.
Thời gian mà tôi phải đến buổi hẹn ngày một gần kề, càng sát giờ thì sự lo lắng, sợ hãi trong tôi dâng trào. Cảm giác tồi tệ đó lấn át cả sự háo hức và tò mò ban đầu.
Tôi sợ hãi khi nghĩ tới những kẻ ghét mình xuất hiện, những ánh nhìn soi mói và khó chịu về sự có mặt của mình.
Tự trấn an bản thân rằng, ít nhất mình cũng nghĩ đến và mong chờ những điều đó. Rồi một loạt những suy nghĩ tiêu cực khác xuất hiện trong đầu tôi: "Vì phép lịch sự nên họ mới mời mình chăng?" hay "Liệu có ai thực sự muốn mình đến?"
Kiểu gì cũng có những sự im lặng, gượng ép hoặc nói chuyện một cách nhạt nhẽo vì tôi không phải tuýp người hoạt ngôn hay hài hước. Tiếp theo, tôi bị tra tấn bởi nỗi băn khoăn, nên mặc gì? Cái mặt tôi nếu lỡ bị chụp ảnh trông sẽ ra sao? Tôi sẽ bị người khác nhìn nhận ra sao?...
Tất cả những thứ kể trên trở thành một quả tạ, đè lên lồng ngực nặng trĩu.
Và thế là, tôi rút điện thoại ra, viện lý do ngớ ngẩn nào đó để vắng mặt và ở nhà.
Đôi lúc, nếu may mắn vượt qua được sự sợ hãi vô hình đó, tôi vẫn là một người bình thường, biết hòa nhập và tham gia vào nhiều trò vui.
Thế nhưng, căn bệnh sợ xã hội chẳng tuân theo bất cứ logic nào, nó "tấn công" tôi mọi lúc mọi nơi, nếu tiếp tục thấy hoảng loạn, tôi sẽ lại... hủy hẹn hoặc biến mất không một lời nói.
Đột ngột "mất tích" chỉ là phương án tạm thời, sau đó cá nhân tôi (cũng như những người mắc chứng sợ xã hội) sẽ gặp những trở ngại tâm lý khác. Đó là cảm giác có lỗi và hối hận, không gay gắt như cảm giác gần tới buổi hẹn nhưng nó âm thầm gậm nhấm từ bên trong. Tiếp theo là một loạt các cảm xúc tồi tệ nữa vì tôi biết chắc chắn những người bỏ thời gian ra chờ đợi mình đang vô cùng khó chịu.
Một số người bạn lâu năm biết thừa rằng, tôi không thể hủy hẹn chỉ vì con mèo nhà hàng xóm bị gãy chân, hoàn toàn nhảm nhí. Điều đáng buồn là, phần lớn những người không thân thiết không biết lý do thực sự là do tôi sợ xã hội.
Tất nhiên, người khác không thể biết được nguyên nhân mà những người mắc chứng lo âu xã hội thường hủy hẹn. Do đó, người hay lo âu sẽ để lại ấn tượng rằng họ không phải tuýp người quảng giao, thích gặp mặt, tụ tập và giao lưu. Những người gặp phải vấn đề tâm lý này thường chỉ tự tin, vô tư trong các trường hợp khiến họ thoải mái, như gặp bạn bè cũ, những người đủ kiên nhẫn, thông cảm và thấu hiểu họ.
Những ai mắc chứng rối loạn lo âu giống tôi không muốn nhận điện thoại từ số lạ nhưng lại có thể nhốt mình trong nhà nhiều ngày liền. Tất cả cảm giác tồi tệ kể trên cũng có thể kéo đến khi vô tình đọc được những bình luận hay bài đăng khó chịu về mình trên mạng xã hội. Tức là, cả thế giới thật và thế giới ảo, chúng tôi gặp những khó khăn tương tự nhau, đều khó mà vượt qua.
Tôi yêu mến và muốn dành thời gian cho những người có mặt trong đời mình. Tuy nhiên, nỗi lo sợ, nghi ngờ về những điều tồi tệ sắp diễn ra giống như một bức tường thành, ngăn tôi bước ra khỏi đó.
Tới thời điểm hiện tại, khi đang viết những dòng này thì căn bệnh sợ xã hội đáng ghét vẫn chưa buông tha cho tôi.
Nhưng tôi nhận ra rằng, bí quyết để giúp đỡ những người giống mình chính là sự kiên nhẫn. Đừng bao giờ bắt ép một người mắc rối loạn lo âu/sợ xã hội phải đưa ra câu trả lời thỏa đáng, vì làm gì có! Học cách thông cảm, đừng móc máy hay tỏ ra nghi ngờ về những gì người đó nói. Cứ thản nhiên nhưng đừng nuông chiều những người như tôi.
Hãy đến lôi tôi ra khỏi giường nếu sắp tới có sự kiện quan trọng, tôi sẽ rất biết ơn vì điều đó.
Tôi thừa hiểu cảm giác bực bội, khó chịu của bạn bè khi tôi luôn hủy hẹn vào phút chót. Làm ơn đừng vội trách móc, hãy kiên nhẫn và cho đi sự cảm thông. Với bất cứ ai mắc chứng sợ xã hội nhưng người thân của họ không biết, sự tuyệt vọng còn khủng khiếp hơn nhiều lần và có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo Metro
Long.J