Giải Trung Quốc: Miền đất hứa của các ngôi sao châu Âu
Ngày càng đón nhiều sao
Trong thời gian dài, bóng đá gần như bị “xếp xó” ở Trung Quốc. Kể từ lần duy nhất tham dự World Cup (năm 2002), ĐTQG nước này hầu như “xịt” hoàn toàn ở các giải châu lục. Trong khi đó, giải VĐQG nước này cũng không được “chăm sóc” đúng mực và gần như không có tiếng nói ở châu lục. Trước năm 2013, họ chỉ có đúng 1 lần lên ngôi ở AFC Champions League (Liaoning Whowin năm 1990), tức kém cả người Thái Lan (2 lần).
Ramires đã tới Trung Quốc thi đấu với mức phí kỷ lục
Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Giờ đây, họ đã “lột xác” hoàn toàn. Giờ đây, cả châu Á đã phải nhìn họ với ánh mắt hoàn toàn khác. Trong 3 năm trở lại đây, Guangzhou Evergrande đã vô địch AFC Champions League tới… 2 lần và đang trở thành thế lực ở châu Á.
Chỉ trong vòng 1 ngày, các CLB ở giải VĐQG Trung Quốc đã đón 3 hảo thủ từ châu Âu, đó là Ramires (Chelsea), Guarin (Inter), Gervinho (AS Roma). Nên nhớ, họ vẫn đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Việc cả ba cầu thủ này chấp nhận bỏ châu Âu hoa lệ để tới “vũng trũng” Trung Quốc không phải là câu chuyện đơn giản.
Trong những năm qua, giải Trung Quốc đã lớn mạnh hơn rất nhiều nhờ đón nhiều cầu thủ tầm cỡ thế giới. Giờ đây, người ta dễ dàng có thể kể tên những ngôi sao từng thi đấu ở châu Âu đang chinh chiến ở Super League (giải VĐQG Trung Quốc) như Robinho, Paulinho (Guangzhou Evergrande), Asamoah Gyan, Darío Conca, Elkeson (Shanghai SIPG), Guarin, Demba Ba (Shanghai Shenhua), Ramires (Jiangsu Suning), Diego Tardelli (Shandong Luneng)... Hay trước đó, Drogba, Anelka… đều từng thi đấu ở nơi đây.
Bên cạnh đó là hàng loạt chiến lược gia tầm cỡ như Scolari (Guangzhou Evergrande) Mano Menezes (Shandong Luneng) và Wanderlei Luxemburgo (Tianjin Quanjin), Sven-Goran Eriksson (Shanghai SIPG)…
Nói vậy để thấy được chất lượng của giải Trung Quốc. Tất nhiên, sự lớn mạnh của giải VĐQG tỷ lệ thuận với ĐTQG, khi những tuyển thủ quốc gia Trung Quốc sẽ cải thiện chất lượng khi so tài với những ngôi sao hàng đầu thế giới và được dẫn dắt bởi HLV lão làng.
Khi người Trung Quốc quyết làm bóng đá
Tất nhiên, muốn vực dậy nền bóng đá, câu chuyện đầu tiên vẫn là… tiền. Những tập đoàn lớn của Trung Quốc đã trợ giúp rất nhiều trong việc “hồi sinh” nền bóng đá “xập xệ”. Trong đó, tiêu biểu là tập đoàn Evergrande Real Estate (của tỷ phú Xu Jiayin). Cách đây 6 năm, họ mua lại CLB Quảng Châu đang “tàn tạ” ở hạng dưới và “bơm tiền” để giúp CLB vươn lên thống trị giải VĐQG Trung Quốc cũng như châu lục.
CLB Guangzhou Evergrande, lá cờ đầu của giải Trung Quốc
Đó là cách làm bóng đá “hiện đại” và được áp dụng rất nhiều ở châu Âu. Tập đoàn Evergrande Real Estate đã biến Guangzhou Evergrande trở thành PSG hay Man City ở châu Á bằng việc mang về Paulinho, Robinho… cùng HLV Lippi, Scolari và họ đã thành công.
Giờ đây, ở Trung Quốc, xuất hiện rất nhiều “Mạnh Thường Quân” như tập đoàn Evergrande Real Estate. Tới mức, ngay cả đội bóng mới lên hạng như Hebei China Fortune cũng sẵn sàng vung tiền mua Gervinho (nên nhớ, mức lương cầu thủ đòi hỏi rất cao). Tiền là chất xúc tác “kéo” ngôi sao (thậm chí đang ở đỉnh cao sự nghiệp) tới Trung Quốc.
Mặc dù vậy, tiền không phải là tất cả. Môi trường thi đấu cũng đóng vai trò không nhỏ. Chia sẻ trước báo giới, HLV Sven-Goran Eriksson của Shanghai SIPG cho biết: “Thật tuyệt vời. Thú thực, khi bạn hỏi cuộc sống ở Thượng Hải và London, nơi nào tốt hơn, tôi chẳng thể trả lời được.
Bóng đá đang dần lớn mạnh ở Trung Quốc và những CLB ở giải VĐQG đều cho thấy tham vọng lớn. Tôi thấy tiềm năng của bóng đá Trung Quốc là rất lớn. Tôi nghĩ rằng, trong những năm tới, họ sẽ đón cầu thủ tầm cỡ như Wayne Rooney”.
Không chỉ đầu tư mạnh mẽ ở trong nước, những nhà đầu tư ở Trung Quốc còn “vươn vòi” ra châu Âu. Mới đây, tập đoàn truyền thông CMC (đứng đầu là Li Ruigang, một nhà chính trị ở Trung Quốc) đã mua lại 13% cổ phần của CFG, công ty mẹ của Man City.
Những nhà đầu tư Trung Quốc đang “vươn vòi” ra châu Âu
Tuần trước, hãng xe hơi Rastar đã thâu tóm CLB Espanyol, khi mua lại 54% cổ phần với mức phí 50 triệu euro. Họ đã nhà đầu tư thứ 3 ở Trung Quốc sở hữu CLB ở La Liga sau Q-Bao (đầu tư vào hai CLB Rayo Vallecano và Real Sociedad) và Wanda Group (nắm cổ phần của Atletico Madrid). Trên toàn châu Âu, những nhà đầu tư Trung Quốc đã mua lại Slavia Prague (CH Séc), Sochaux (Pháp)…
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình từng có chuyến tham quan sân Etihad của Man City và ông không hề giấu giếm ý định sao chép mô hình đào tạo ở Anh về Trung Quốc. Chắc chắn, trong tương lai, những đại gia Trung Quốc sẽ không thể bỏ qua thị trường màu mỡ, Premier League.
Thậm chí, LĐBĐ Trung Quốc còn đi nước cờ táo bạo khi mời HLV Mourinho đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bóng đá ở nước này. Chuyến thăm Thượng Hải mới đây của “Người đặc biệt” không nằm ngoài mục đích đó.
Rõ ràng, bóng đá Trung Quốc đang có những bước phát triển đầy vĩ mô ở cả cấp CLB lẫn ĐTQG. Đó là những bước đi đầy tính chiến lược và hứa hẹn sẽ vực dậy nền bóng đá Trung Quốc, vốn đã “ngủ quên” trong nhiều năm qua.
Theo Dân Trí