Đối đầu Trung-Ấn: Vì ông Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ khó lòng khai chiến với Ấn Độ?
Cuộc đối đầu ở biên giới Trung-Ấn hiện đã bước sang tháng thứ ba liên tiếp nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhận định về điều này, truyền thông Ấn Độ cho rằng, "Bắc Kinh chỉ dám lớn giọng chứ thực sự không dám động thủ".
Cụ thể, trang tin tức Merinews (Ấn Độ) ngày 19/8 dẫn lời giới quan sát quốc tế cho biết, vấn đề ở cao nguyên Doklam liên quan chặt chẽ tới uy tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bởi hiện nay ông Tập đã trở thành "nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc sau Mao Trạch Đông".
Báo Ấn cho rằng, công khai phản đối sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan cho thấy New Delhi coi nhẹ vị trí của Bắc Kinh ở cao nguyên Doklam.
"Động thái này đã gây tổn hại đến uy tín trong nước của ông Tập Cận Bình. Vì thế, Bắc Kinh sẽ không rời Donglang/Doklam", Merinews bình luận.
Về vấn đề biên giới, Merinews cho hay, một số chuyên gia Trung Quốc kiến nghị rằng, Bắc Kinh có thể tấn công New Delhi ở khu vực Ladakh hoặc Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng) và khi đối mặt với sức mạnh của Trung Quốc, Ấn Độ cũng sẽ ngoan ngoãn đầu hàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Ấn Độ không nghĩ như vậy bởi theo họ, nếu so sánh sức mạnh quân sự giữa hai bên, quân đội Ấn Độ năm 2017 đã trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả và luôn sẵn sàng chiến đấu hơn Giải phóng quân Trung Quốc (PLA).
"Số lượng không phải là quan trọng nhất, điều quan trọng chính là các điều kiện địa lý, năng lực tác chiến, khả năng hậu cần và năng lực lãnh đạo chính trị mạnh mẽ. Không quân Ấn Độ ngày nay đã được trang bị rất tốt, chắc chắn mạnh hơn không quân Trung Quốc", trang tin Ấn Độ cho rằng, nếu lực lượng không quân Ấn Độ được triển khai trong cuộc chiến tranh biên giới 1962 thì ưu thế sẽ nghiêng về New Delhi.
Theo trang tin nay, không quân Ấn Độ hiện đủ máy bay chiến đấu hạng nhẹ, có khả năng tác chiến phù hợp với địa hình vùng núi Himalaya. Do đó, quân đội Ấn Độ nếu được hỗ trợ bởi lực lượng không quân sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm của PLA.
Hơn nữa, bất cứ khi nào xảy ra leo thang căng thẳng, Ấn Độ gần như chắc chắn sẽ đưa hải quân vào hoạt động. Trong khi đó, hải quân Ấn Độ đang có vị trí thuận lợi ở Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Ấn Độ có thể dễ dàng ngăn chặn Trung Quốc qua eo biển Malacca - nơi 80% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.
"Ngoài ra, Trung Quốc đang tồn tại mâu thuẫn với hơn 20 quốc gia. Nếu Trung-Ấn xảy ra chiến tranh, những quốc gia này sẽ ủng hộ Ấn Độ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ", trang tin Ấn Độ nhận định, thậm chí ngay cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO cũng sẵn sàng đứng về phía New Delhi khiến Bắc Kinh bị cô lập.
Merinews đánh giá, hiện Trung Quốc đang gặp bất lợi do phải đồng thời đối mặt với nhiều vấn đề quốc tế. Ví như, nước này vừa duy trì giằng co ở biên giới với Ấn Độ, vừa phải cân bằng kêu gọi Mỹ đối thoại với Triều Tiên.
"Vì thế, tuy Thời báo Hoàn cầu thường đưa ra những tuyên bố công kích khai chiến với Ấn Độ nhưng đội ngũ tham mưu của chính phủ Trung Quốc nhất định sẽ kiến nghị ông Tập Cận Bình không nên gây chiến với Ấn Độ", Merinews viết.
Thủy Thu