Độc đáo lễ cúng Ma khô của người Lô Lô
Đầu tiên, thầy cúng dâng lễ xin thần để đưa trống đồng gồm 1 con gà, chai rượu và bát gạo.
Trống đồng người Lô Lô được cất giữ cẩn thận, nó chỉ được sử dụng trong dịp lễ quan trọng hay tang ma. Có tiếng trống đồng thì người chết mới tìm được về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên.
Trong lễ Ma khô của người Lô Lô một nhóm người sẽ hóa trang thành người rừng...
Việc hóa trang được tiến hành ở trên núi cách xa với nhà của người mất và không cho ai biết.
Người hóa trang được phủ kín khắp người bằng cây, cỏ rừng, chỉ trừ đôi mắt để không ai phát hiện ra là ai. Theo quan niệm của người Lô Lô việc làm như vậy mới linh thiêng.
Sau bài cúng gọi hồn, người dân bắt đầu nhảy múa, với 12 điệu múa người ta mô phỏng lại những động tác trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của bản thân người chết, của người Lô Lô như phát nương, tra ngô, làm rẫy.
Trong các điệu múa, đặc trưng nhất là điệu múa về các Ma rừng để hồn người chết về với tổ tiên, không lang thang quấy quả đến cuộc sống của con cháu, người dân trong làng và cả gia súc nữa.
Ngay cả khi mổ bò cúng cho người chết, người ta cũng phải nhảy 9 vòng trước cửa nhà, nếu không sẽ không được phép mổ bò.
Các nghi lễ trong đám Ma khô của người Lô lô khá vui. Đám ma mà vui thì nghe cũng lạ nhưng đây là sự thực. Ai múa thì múa, ai hát thì hát, ai khóc thì khóc, đó là niềm vui trong nỗi buồn.
Nghi lễ làm Ma khô vô cùng tốn kém, vì thế hàng xóm tham dự thường mang theo địu ngô, chai rượu... để góp chung. Thực chất đó cũng là sự giúp đỡ lẫn nhau, khi nhà anh có việc người ta cũng sẽ lại giúp anh. Đây chính là trách nhiệm, nghĩa vụ với cộng đồng của người Lô Lô.
Bài & ảnh: Nguyên Vũ