Cô gái mang 3 quả thận suốt 22 năm
Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho hay, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Phương (22 tuổi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) với dị tật hiếm gặp khi có tới 3 thận và 3 niệu quản.
Cách đây một năm, Phương nhận thấy cơ thể có biểu hiện lạ, cứ đến sát ngày kinh cô lại cảm thấy đau bụng, người mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn. Tình trạng này diễn ra cho đến hết ngày kinh mới chấm dứt trong khi đi khám nhiều nơi, Phương vẫn không tìm ra bệnh.
Một phần kết quả giúp chẩn đoán dị tật của bệnh nhân Phương
Dị tật hiếm gặp
Tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, sau khi thăm khám kỹ càng và có được kết quả sau khi chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ Nguyễn Sĩ Tiến - khoa Khám bệnh - nhận thấy bệnh nhân Phương bị dị tật bẩm sinh niệu quản, có một thận phụ và đề nghị tiến hành phẫu thuật ngay lập tức.
Ngày 8/6, Phương đã được các bác sĩ phẫu thuật thành công, bảo toàn được hai thận chính. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, cô có thể ăn uống và đi lại được bình thường, dự kiến sẽ được ra viện trong 1-2 ngày tới.
Bác sĩ Lê Thanh Hải - người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Phương - cho biết đây là ca bệnh khá đặc biệt khi người bệnh có tới 3 thận, 3 niệu quản. Người có ba quả thận rất hiếm gặp. Nếu các thận hoạt động bình thường sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
Tuy nhiên, với trường hợp của Phương, thận phụ phải teo nhỏ, chức năng đã hạn chế đi rất nhiều và có dấu hiệu ứ nước nên cần loại bỏ ngay. Những trường hợp không phát hiện sớm để cắt bỏ dị tật này có thể gây mất chức năng thận, làm bệnh nhân hay bị viêm nhiễm, thậm chí sẽ ung thư hóa.
Những biểu hiện bất thường
Theo các bác sĩ, trường hợp dị tật nhiều thận thường gặp là thận - niệu quản đôi. Dị tật này có thể chỉ ở một bên (người có 3 thận) hoặc có cả hai bên (người có 4 thận). Biểu hiện thường gặp là:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh nhân có thể sốt nóng rồi rét run, nhiệt độ lên tới 39-40 độ C, nước tiểu đục.
- Đau bụng trước và sau ngày kinh: Bệnh nhân thường xuất hiện các cơn đau âm ỉ trước và sau ngày kinh, các cơn đau sẽ nặng dần nếu như dị tật không được phát hiện và xử lý sớm.
- Đi tiểu thường xuyên: Ngoài những lần đi tiểu bình thường, nước tiểu có thể rỉ ra liên tục từ lỗ niệu. Ở trẻ nhỏ, tiểu rỉ dễ gây hăm, loét vùng sinh dục ngoài và bẹn.
- Tiểu khó hoặc không tiểu được: Mỗi lần đi tiểu đều cảm thấy khó chịu và đau tức. Ở bé gái, có thể thấy một khối tròn nhỏ chui ra từ lỗ tiểu, bịt kín lỗ này.
- Bàng quang căng to: Nhìn vùng dưới rốn thấy có một khối nổi lên, nắn vào thì bệnh nhân rất đau tức và muốn tiểu, nhưng không tiểu được.
- Thận - niệu quản giãn căng: Nhìn thấy một bên mạn sườn căng phồng, to hơn bên đối diện. Nắn thấy một khối u mềm, căng.
Để xác định bệnh, ngoài khám lâm sàng, người bệnh cần được xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang thận - niệu quản và bàng quang.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Theo Zing