Chính sách có hiệu lực trong tháng 6/2017
Cấm bán rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện cho trẻ em
Theo Luật Trẻ em có hiệu lực thi từ 1/6 có quy định nghiêm cấm bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện; chất kích thích khác; thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
Ngoài ra, trong Luật Trẻ em còn cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Đồng thời cấm đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.
Miễn tiền sử dụng đất dự án xây nhà ở xã hội
Theo Nghị định 35/2017/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 20/6, miễn tiền sử dụng đất đối với dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong khu kinh tế để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ đời sống cho người lao động theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
TPHCM có cơ chế, chính sách tài chính đặc thù
Từ 10/6, theo Nghị định 48/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP HCM, UBND TP HCM được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.
Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP HCM quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, UBND TP lập dự toán kèm theo đề nghị gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện.
UBND TP HCM được tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn vay cho các dự án xây dựng cơ hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn vay.
TPHCM được vay vốn đầu tư trong nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; được vay lại vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để phát triển
Giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Từ ngày 1/6, theo Nghị định 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động hàng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động với mức được điều chỉnh: Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động, trừ đối tượng là người giúp việc.
Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ thực hiện quy định trên kể từ ngày 1/1/2018.
Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
Tăng lương hưu hàng tháng cho quân nhân, công an nhân dân
Từ ngày 26/6 theo Nghị định số 33/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu bắt đầu hưởng lương hưu hàng tháng từ năm 2016 đến hết năm 2017, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Tăng phí khám chữa bệnh đối với người không có BHYT
Từ ngày 1/6, Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp có hiệu lực. Trong đó có 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả như: dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ...
Theo đó, người bệnh chưa tham gia BHYT, người có thẻ BHYT nhưng khi khám chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT sẽ phải chịu mức phí điều chỉnh.
Cụ thể, dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện của người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa. Dịch vụ khám bệnh và ngày giường điều trị đều có mức tăng cao gấp 2-4 lần so với giá hiện tại, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2.
Minh Duy