Chiêm ngưỡng cổ vật sơn son thếp vàng trăm tuổi tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Tại triển lãm sẽ có hơn 100 hiện vật đồ gỗ sơn thếp có niên đại thời Lê, Nguyễn gồm đồ thờ, tượng thờ với đề tài trang trí tứ linh, tứ quý, thư pháp, linh vật, hoa lá, chim muông. Đồ gỗ sơn thếp gắn với đời sống người Việt có lịch sử lâu dài, từng xuất hiện trong văn hóa Đông Sơn từ 2.000 năm trước. Các nhà khảo cổ từng phát hiện trong các ngôi mộ ở Việt Khê, Châu Can, Xuân La, Châu Sơn một số hiện vật gỗ sơn mang tính bản địa. Một số tài liệu còn cho thấy dưới thời Đinh – Tiền Lê cung điện được xây dựng nguy nga với đồ sơn son thếp vàng rực rỡ. Dưới thời Lý, các công trình cung đình và thờ tự cũng sử dụng đồ sơn thếp trang trí. Nghệ thuật này phát triển rực rỡ nhất ở thời Lê, Nguyễn và hiện vật còn lại đến nay chủ yếu ở thời kỳ này.
Tượng Văn Thù Bồ Tát, gỗ sơn son thếp vàng thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII – XVIII
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sở hữu bộ sưu tập đồ sơn thếp phong phú cả về số lượng lẫn loại hình. Kho cổ vật này từng ra mắt công chúng ở một số cuộc trưng bày, tuy nhiên đây là lần đầu công chúng được chiêm ngưỡng bộ sưu tập sơn son thếp vàng với quy mô lớn, khá toàn diện trong đó có nhiều hiện vật quý lần đầu xuất hiện. Trung tâm của phòng trưng bày dành cho nhóm hiện vật Phật giáo bao gồm tượng Tam Thế Phật, Phật A Di Đà, Quan Âm, Thích Ca sơ sinh, Bồ Đề Đạt Ma, hương án, sập thờ và hoành phi câu đối. Hiện vật được chia thành nhóm và công năng như ban thờ thần và ban thờ gia tiên với hương án, khám thờ, bài vị, hộp đựng sắc phong, bình hoa. Ngoài hiện vật gốc, BTC cũng giới thiệu một số hình ảnh và công cụ trong quá trình nghề sơn thếp.
Tượng Phật Thích Ca Mầu Ni, gỗ sơn son thếp vàng thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII – XVIII
Nghệ thuật sơn son thếp vàng là niềm tự hào dân tộc bởi nét đặc trưng và độc đáo riêng về nguyên liệu và quy trình. Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế nói rằng ông cha rất tinh tế khi sử dụng nghệ thuật này. Sắc đỏ trong sơn thếp được sử dụng rất phù hợp với không gian và chức năng: Màu trầm dùng trong đồ thờ, tượng thờ trong khi màu tươi hơn dùng cho trang trí, sinh hoạt cung đình. Có lịch sử lâu đời và được kế thừa phát triển trong suốt tiến trình lịch sử, các thế hệ sau sáng tạo ra những màu sơn khác nhau cho từng không gian: Các bức đại tự, hoành phi trang trí trong hình lá sen, đôi câu đối sơn xanh hoặc sơn đen.
Tranh thờ “Thập điện Diêm vương”, gỗ sơn son thếp vàng thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII – XVIII
Không chỉ giới thiệu di sản độc đáo của cha ông, các chuyên gia trưng bày kỳ vọng công chúng có cái nhìn sâu sắc hơn về di sản cũng như ý thức bảo tồn, phát huy. Thời gian qua các chuyên gia nhiều lần nêu lên thách thức trong quá trình bảo quản và khôi phục hiện vật gỗ sơn thếp. Bên cạnh sự tác động mạnh mẽ của thời tiết, thăng trầm lịch sử và cách hiểu chưa đúng về giá trị và kỹ thuật sơn thếp cũng góp phần phá hủy trầm trọng di sản này. Gần đây nhất là 2 mảng chạm thế kỷ 17, 18 của đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) là nạn nhân của quá trình sơn thếp vô tội vạ. Hiện nay Hà Nội vẫn chưa thể xin ý kiến chuyên gia để khắc phục 2 mảng chạm tại di tích quốc gia đặc biệt này, được đánh giá “gần như không thể khôi phục được”.
Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan từ ngày 20/6 đến cuối tháng 11 tại phòng trưng bày chuyên đề Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1, phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hoàng Hà