Cẩn thận tránh “rước bệnh” từ hồ bơi công cộng ngày hè
Trẻ vui chơi ở một hồ bơi ở TP. HCM
Nỗi lo của phụ huynh
Dành cho con trai phần thưởng suốt 1 năm học tập vất vả là khóa học bơi kéo dài hơn 2 tháng hè, nhưng chị Minh Lý (quận Bình Thạnh, TPHCM) lại tỏ ra lo lắng: “Mấy tuần trước, đến bể bơi đăng ký học cho con, bể bơi vắng người, nước trong vắt, nhìn xuống tận đáy hồ. Vậy mà hôm đầu dắt con đi bơi thì hồ đông nghịt, nước vẩn đục. Thấy con vui nhưng mình thì lo lo”.
Tại TPHCM, theo ghi nhận của phóng viên, các hồ bơi công cộng có lượng khách đông hơn hẳn, đặc biệt là trẻ em. Ở hồ bơi Lê Thị Riêng (quận 10), dù đã hơn 10 giờ trưa nhưng vẫn có hàng trăm trẻ em đang thích thú bơi lội và tham gia các trò chơi dưới nước. Ngồi trên bờ đợi con, chị Ngọc Lượng (nhà ở quận Tân Bình) cho biết: “Bé nghỉ hè cả tuần lễ nay mà hai vợ chồng chưa thu xếp công việc để đưa bé đi chơi xa. Bởi vậy, tạm thời tôi rảnh thì cho bé đi công viên, hồ bơi, nhà sách để thư giãn. Dạo này hồ bơi đông hơn hẳn. Hồi trước chỉ đông vào dịp cuối tuần thôi”.
Tại một hồ bơi ở quận 3, cũng có rất đông trẻ em đến đây bơi lội. “Con tôi đến đây tập bơi đã lâu rồi. Bữa nay cháu bơi tốt và có thể bơi xa nhưng hồ bơi đông người nên bơi một khúc là lại đụng người”. Chị Huyền (nhà ở quận 3) đưa con đi bơi cho biết: “Mình cân nhắc nhiều khi chọn bể bơi cho con trong dịp hè cho dù cũng chỉ bằng cảm quan, thấy nước trong xanh thì chọn. Hơn nữa, có muốn thử cũng chẳng biết cách nào mà thử”.
Cẩn thận tránh “rước bệnh” từ hồ bơi công cộng
Theo các bác sĩ, bơi lội có nhiều tác dụng rất tốt lên các cơ quan hô hấp, tim mạch, khớp, cơ, béo phì. Mỗi giờ bơi đều đặn tiêu thụ khoảng 800 kcal. Nhiều nghiên cứu cho thấy bơi khoảng 30 đến 60 phút mỗi ngày, từ 3 đến 4 ngày trong một tuần có thể giảm nguy cơ đột quỵ, tim mạch, tiểu đường, tăng cholesterol máu và tăng huyết áp. Tuy nhiên, bơi lội cũng là một trong những yếu tố gây bệnh nếu nguồn nước không đảm bảo.
BS CKII Thái Hữu Dũng, Phó trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, thông thường vào dịp hè, lượng trẻ khám và nhập viện vì các bệnh tai mũi họng có sự gia tăng do nhu cầu bơi lội cao; đặc biệt là các bệnh như viêm tai, viêm ống tai ngoài, viêm mũi xoang…
BS Dũng cho rằng, nước hồ bơi nếu không đảm bảo có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan như tóc, da, mắt, tai mũi họng, phụ khoa…Nguyên nhân là vì trong nước hồ bơi công cộng luôn có chất làm sát khuẩn và làm cho nước trong, chủ yếu là clo. Nếu hàm lượng chất sát khuẩn này quá ít sẽ không đủ để làm chết vi khuẩn. Ngược lại, nếu hàm lượng cao hơn bình thường cũng gây tác dụng ngược và ảnh hưởng đến cơ thể.
“Hồ bơi quá đông người hoặc lâu ngày không thay nước sẽ tích tụ mồ hôi, nước tiểu, dịch tiết, khi kết hợp với chất sát khuẩn có thể tạo thành chất độc hại, đặc biệt là chất cyanogen chloride. Chất này đi vào tai gây hủy chất bảo vệ của ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Thêm vào đó, nhiều người có thói quen ngoáy tai sau khi bơi, nếu để lại xây xát sẽ gây nhiễm khuẩn, viêm ống tai ngoài. Khi bơi, các chất gây hại theo nước đi vào mũi sẽ làm tăng tiết, quá phát gây viêm mũi, viêm xoang. Ở trẻ em có thể gây kích thích VA dẫn đến tắc vòi nhĩ và viêm tai giữa. Xa hơn nữa, những chất này kích thích đường hô hấp trên gây ra cho trẻ các bệnh như suyễn, viêm phế quản”. BS Dũng cho biết.
Theo Trung tâm Truyền thông, Giáo dục Sức khỏe TPHCM, hồ bơi thường là nơi công cộng với sự tham gia của nhiều đối tượng từ người lớn đến trẻ em. Mặc dù các hồ bơi được khử trùng bằng hóa chất chloride nhưng nhìn chung vẫn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Người bơi có thể bị nhiễm hóa chất từ hồ bơi, nhất là chất sát trùng chloride trong nước có thể kết hợp với dịch tiết cơ thể gây kích ứng da, gây ngứa mắt, đỏ mắt… Khi chất này bay hơi lên khỏi mặt nước sẽ gây kích ứng hô hấp: ho, hắt hơi, thở khò khè, có thể kích thích cơn hen phế quản…
Mặt khác, người bơi có thể nhiễm các ký sinh trùng từ hồ bơi. Do nồng độ chất sát trùng và PH không phù hợp khiến ký sinh trùng tồn tại trong nước và truyền bệnh. Các ký sinh trùng điển hình như: Vi khuẩn đường ruột E. coli gây bệnh tiêu chảy cấp và nhiễm độc; Ký sinh trùng Cryptosporidium sp gây bệnh tiêu chảy kéo dài; Ký sinh trùng Giardia lamblia gây bệnh tiêu chảy kèm phân sống, kéo dài…
Phòng bệnh từ hồ bơi
Để hạn chế nhiễm bệnh từ hồ bơi, BS Dũng khuyên phụ huynh đưa con đi bơi nên tránh đi vào thời gian từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều. Đây là khoảng thời gian nhiệt độ ngoài trời nóng. Khi xuống nước, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến trẻ bị cảm, cộng với chất độc trong nước dễ xảy ra viêm mũi xoang, viêm VA, viêm tai ngoài, viêm tai giữa.
“Phụ huynh nên đưa con đến những hồ bơi đã được chứng nhận đạt chuẩn và quan sát nước hồ bơi. Nước hồ bơi chỉ nên có màu xanh da trời nhạt. Nếu nước xanh đậm hơn tức là hóa chất nhiều. Mặt nước và thành hồ bơi không được váng cặn (có thể là do dầu, mồ hôi, nước tiểu, tức là nước lâu ngày chưa thay). Khi bơi, trẻ nên đeo mắt kính có bảo vệ tia cực tím, nên có dụng cụ nút tai bằng cao su bảo vệ. Sau khi bơi vệ sinh bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi, không nên ngoáy tai, tắm lại nước sạch với xà bông có tính hơi kiềm. Đặc biệt, những trẻ bị viêm tai giữa mãn tính có thủng màng nhĩ tuyệt đối không nên đi bơi ở những hồ bơi công cộng” - BS Dũng nói. Các bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo những người có bệnh tiêu chảy, bệnh ghẻ ngứa… không nên đi bơi để tránh lây lan cho người khác.
Theo Lao Động