Bí ẩn đằng sau những đôi chân gót sen rướm máu và đầy đau đớn của phụ nữ Trung Quốc
Người ta nói về rất nhiều phương thức làm đẹp của phụ nữ ngày xưa để minh chứng cho một điều: đau đớn nhưng có được sắc đẹp thì ai cũng dám làm. Tại Trung Quốc, những người phụ nữ từng chấp nhận thương tật cả đời chỉ để đổi lấy một đôi chân gót sen nhỏ nhắn, thon gọn. Tuy nhiên, một đôi chân gót sen có phải là tiêu chuẩn của cái đẹp?
Thời bấy giờ, người ta tin rằng nếu muốn gả con gái vào nhà quyền quý, muốn con gái được sung sướng thì phải bẻ quặp chân cô bé ngay từ nhỏ; đau đớn, khóc lóc cũng chẳng màng, miễn là con gái có đôi chân nhỏ như một gót sen để dáng đi uyển chuyển, mềm mại.
Một người phụ nữ với chân bó gót sen đứng trước nhà mình.
"Người ta vẫn nghĩ rằng, đó là cách để chiều lòng đàn ông. Những người đàn ông Trung Quốc thích phụ nữ có đôi chân nhỏ", Laurel Bossen, đồng tác giả cuốn sách "những đôi chân gót sen, những bàn tay son trẻ". Tuy nhiên, Bossen cho rằng suy nghĩ này không đúng và bị hiểu nhầm.
Những người phụ nữ có bàn chân gập vào như vậy thường chẳng có cuộc sống sung sướng. Thay vào đó, họ phải sống đời khổ sở, đặc biệt là tại vùng nông thôn, nơi các bé gái 7 tuổi đã phải biết thêu thùa, quay sợi, làm nông, Bossen cho biết.
Đôi chân gót sen không phải là cách để làm đẹp mà để đảm bảo, các cô gái trẻ có thể ngồi yên làm các công việc như đan áo, dệt chăn, gối, thêu thùa giày, lưới đánh cá... Lý do mà cha mẹ các cô bé thường nói là làm như vậy, các em sẽ dễ kiếm chồng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là lý do để họ bắt con cái mình ngồi yên tại chỗ khi làm việc.
Sự bóp méo lịch sử
"Những người phụ nữ bó chân thường phải làm các công việc đòi hỏi sự khéo tay ở nhà như thêu thùa khâu vá. Việc người ta cho rằng bó chân để mang lại vẻ đẹp cho phụ nữ giống như việc bóp méo lịch sử".
Các cô gái sẽ phải ngồi yên vì quá đau đớn khi di chuyển. Việc bó chân chỉ chấm dứt tại Trung Quốc khi ngành công nghiệp dệt may hiện đại phát triển khiến việc thêu thùa, dệt may thủ công lụi tàn.
Những người phụ nữ bị bó chân để có thể ngồi quay sợi, thêu thùa cả ngày.
Bossen đã phỏng vấn hơn 1,800 phụ nữ cao tuổi tại nhiều vùng trên khắp cả nước Trung Quốc. Họ là những thế hệ cuối cùng bó chân gót sen. Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu xem lý do thật sự mà những người phụ nữ bó chân gót sen là gì.
Họ nhận ra rằng tập tục bó chân gót sen duy trì lâu nhất tại các khu vực với nền kinh tế phụ thuộc vào nghề may mặc. Việc các nhà máy may xuất hiện đã khiến ngành công nghiệp này dần biến mất cũng là lúc, người ta bỏ dần tập tục bó chân.
Các cô gái thường học xe sợi khi mới 6,7 tuổi - cũng là lúc họ bắt đầu bị bó chân. Một cụ bà sinh năm 1933 chia sẻ:
"Mẹ tôi bó chân khi tôi mới lên 10. Lúc đó, tôi cũng bắt đầu biết xe sợi. Mỗi lần mẹ bó chân, tôi cảm thấy đau đớn kinh khủng và không ngừng khóc".
Được biết, nét văn hóa này có từ những năm 960 và bắt đầu lan rộng ra toàn Trung Quốc, từ các gia đình giàu có cho đến vùng nông thôn. Đến thế kỷ 19, nó trở nên rất phổ biến trên khắp cả nước. Đến những năm đầu thế kỷ 20, nét văn hóa này suy thoái dần và bị cấm hẳn. Những người phụ nữ sinh vào tầm năm 1940 chỉ bị bó chân một thời gian ngắn.
Skye