Báo động chất lượng thi tuyển lớp 10 ngoại thành
Thạc sĩ Nguyễn Trí Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh, cho biết do điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 quá thấp nên năm học 2016, Trường THPT Tân Túc tuyển đầu vào chỉ có 13 điểm, chất lượng đầu vào của học sinh (HS) lớp 10 các trường trên địa bàn rất hạn chế. Trong khi đó, sau một thời gian, nhiều HS đã bỏ học giữa chừng; nhiều hình thức phân luồng đưa ra nhưng không hiệu quả.
Có trường trung bình chỉ 2,5 điểm/môn thi
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, nhận định từ năm 2013 trở về trước, TP HCM có 9 quận, huyện tổ chức hình thức xét tuyển vào lớp 10. Dù chỉ mới tổ chức thi tuyển 2 năm trở lại đây nhưng điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng 1 vào lớp 10 của các trường THPT trên địa bàn huyện Bình Chánh luôn ở “tốp” thấp nhất, cùng với đó là huyện Cần Giờ, Củ Chi và Nhà Bè là những nơi nằm ở “vùng trũng” tuyển sinh lớp 10.
Bất cập hiện nay là ở các huyện ngoại thành có rất ít trường nghề cho học sinh không đậu vào trường THPT
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), cho biết dù điểm chuẩn vào lớp 10 trung bình chỉ 4,5 điểm/môn nhưng đã cao nhất trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, điểm này hằng năm vẫn thấp hơn mặt bằng chung của thành phố rất nhiều. Đó là hậu quả của quá trình xét tuyển dai dẳng đến 7 năm.
Hạn chế lớn nhất của xét tuyển là giảm động cơ học tập của HS. Hơn nữa, xét tuyển lại căn cứ trên học bạ của lớp 9 nên không tránh khỏi tình trạng học bạ “đẹp” do giáo viên lớp 9 nương tay. “Thế nên sau khi chuyển từ xét tuyển thành thi tuyển giống như thời kỳ quá độ. Minh chứng rõ nhất là khi thi tuyển được 2 năm, chất lượng HS lớp 10 hơn hẳn lớp 11, 12 trước đó” - ông Tòng nói.
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh, cho rằng đội ngũ HS của trường đi thi học sinh giỏi thành phố, thi Olympic cũng nhiều, đạt giải cao và số huy chương không thua kém HS nội thành nhưng tại sao chất lượng vào lớp 10 không đạt? Ngoài Trường THPT Lê Minh Xuân có điểm đầu vào 26 điểm, các trường còn lại chủ yếu là 13 điểm, trung bình mỗi môn chỉ 2,5 điểm.
Theo thống kê của ông Nguyễn Trí Dũng, trong tổng số 3.502 bài thi môn văn vào lớp 10 năm 2015 tại huyện Bình Chánh, chỉ có 135 bài (3,85%) đạt loại giỏi, trong khi có tới 636 bài thi yếu (18,16%) và kém có tới 179 bài. Ở môn toán, tỉ lệ yếu, kém còn cao hơn nhiều, khi có tới 1.134/3.502 loại yếu (32,37%) và kém là 16,59%. Ở môn tiếng Anh, 29,29% HS yếu và 47,62% tỉ lệ kém.
Học sinh ngoại thành sẽ đi đâu?
TS Nguyễn Đức Nghĩa đặt vấn đề, so với nhiều quận nội thành, tỉ lệ giữa chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10 và số HS xét tuyển không quá cao, thậm chí có trường còn có số HS đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Vậy HS Bình Chánh đi đâu trong khi tỉ lệ dân nhập cư của huyện ở mức rất cao, chiếm khoảng gần 30% tổng số HS? Hẳn có một bộ phận không nhỏ HS Bình Chánh, chủ yếu là HS giỏi, theo học các trường THPT ở nội thành.
“Trong tổng số 2.323 HS có hộ khẩu ở huyện Bình Chánh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (có đầu vào lớp 10 năm 2013) thì chỉ có 78% là HS đang học THPT và TTGDTX trên địa bàn huyện, số còn lại theo học tại nội thành” - TS Nghĩa dẫn chứng.
Theo ông Nghĩa, tổng số chỉ tiêu xét tuyển lớp 10 năm học 2016-2017 tại huyện Bình Chánh là 3.505 chỉ tiêu (gồm các trường công lập, tư thục, TTGDTX; trong khi số HS tốt nghiệp THCS là 3.931, tức là chỉ đáp ứng chưa đến 90% số HS tốt nghiệp THCS. Do vậy, việc giới thiệu các cơ sở dạy nghề cho HS là cần thiết nhưng bất cập hiện nay là tại địa bàn huyện, rất ít trường nghề nên HS phải chạy sang các quận lân cận.
Để nâng chất lượng tuyển sinh lớp 10 tại “vùng trũng”, cô Nguyễn Phạm Thùy Linh cho rằng cần phải có những giải pháp để thu hút chất xám tại địa bàn huyện, tại sao địa bàn rộng mà không có trường chuyên, lớp chọn, các lớp tăng cường tiếng Anh để thu hút phụ huynh và những HS giỏi ở lại, HS giỏi nơi khác đến. Nền tảng có sẵn là đội ngũ giáo viên có chuyên môn giỏi, thừa tâm huyết và nhiệt tình, riêng Trường THPT Bình Chánh đã có 12% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tòng đề xuất để nâng chất lượng tuyển sinh lớp 10 nên cho các trường lấy theo điểm sàn chứ không lấy theo chỉ tiêu tuyển sinh, vì nếu lấy theo chỉ tiêu thì chất lượng sẽ rất khó tăng.
Cố gắng học để làm gì! Sở dĩ có tình trạng này là HS giỏi thì không ở lại huyện, trong khi số HS yếu và trung bình rất nhiều nhưng lại thiếu ý thức học tập. Khi so sánh điểm lớp 10 với kết quả học tập ở bậc THCS, có sự chênh lệch rất lớn thì có em trả lời thẳng, chỉ cần đủ điểm đậu chứ cố gắng làm gì. “Tại Bình Chánh còn có thực trạng nhiều HS có điểm cao ở nội thành nhưng không trúng nguyện vọng 1 nên quá độ ở huyện, năm sau lại chuyển trường. HS giỏi thì chuyển đi, yếu thì chuyển về, cùng với ý thức tự giác học tập chưa cao khiến đội ngũ giáo viên dù nhiệt tình, chịu nhiều hy sinh nhưng vô cùng vất vả, chịu nhiều áp lực trước rất nhiều HS yếu kém” - cô Nguyễn Phạm Thùy Linh nói. |