Tăng cường công tác quản lý, không để khan hàng, sốt giá dịp Tết Nguyên đán

14:00 | 03/01/2019

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ban hành Chỉ thị 06 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Song song với việc triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Không để khan hàng gây “sốt giá” dịp Tết

Theo đó, xác định nhóm hàng hóa cần sản xuất - kinh doanh phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng cao dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 gồm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, rau củ tươi, thủy hải sản; các mặt hàng nông lâm sản khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương; các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; mặt hàng hoa quả tươi, cây cảnh, xăng dầu.

Ngoài các mặt hàng trên thì các mặt hàng về may mặc, điện máy cũng sẽ tăng do dịp cuối năm và dịp Tết nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, Hà Nội định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa tăng từ 10-15% so với các tháng trong năm để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau Tết.

tang cuong cong tac quan ly khong de khan hang sot gia dip tet nguyen dan

Các tỉnh, thành phố cố gắng không để xảy ra đột biến các mặt hàng dịp Tết Nguyên đán.

Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2019 (tính cho 2 tháng) gồm gạo hơn 190 nghìn tấn, thịt lơn hơn 44 nghìn tấn, thịt gà 14,6 nghìn tấn, thịt bò hơn 12,3 nghìn tấn, trứng gia cầm 256 triệu quả; rau củ hơn 254 nghìn tấn, thủy hải sản hơn 11 nghìn tấn, nông lâm sản khô khoảng 3,5 nghìn tấn, khoảng 3 nghìn tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200 nghìn m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2019 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018, được phân bổ giá trị vào các kênh sản xuất, phân phối gồm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; doanh nghiệp phân phối, kinh doanh thương mại và các chợ trên địa bàn.

Hiện Sở Công Thương đã tích cực tham mưu, chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đến nay, đã có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình, 3 tổ chức tín dụng đăng ký cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện bình ổn giá với số vốn 2,7 nghìn tỷ đồng.

Cùng với việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng,… trong đó trọng tâm, trọng điểm tập trung quyết liệt vào các ổ nhóm, cơ sở sản xuất hàng giả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được Thành phố Hà Nội đẩy mạnh nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Tăng cường quản lý điều hành, bình ổn giá

Để tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá cả thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh), Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công việc.

tang cuong cong tac quan ly khong de khan hang sot gia dip tet nguyen dan

Ảnh minh họa: KT.

Cụ thể, cần tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trong các thời điểm trước, trong và sau Tết để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả, không để xảy ra các biến động bất thường ảnh hướng đến đời sống xã hội.

Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất là trong thời điểm có nhu cầu cao trong dịp Tết để tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, tổng hợp phân tích dự báo; chủ động xây dựng kịch bản điều chỉnh giá một số mặt hàng quan trọng do Nhà nước quản lý trong những tháng đầu năm 2019 với lộ trình và bước đi phù hợp để hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung khi có phát sinh. Tổ chức giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Ở các địa phương, các Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.

Trong đó, phải chú trọng các công theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Các cơ quan cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá…

Các đơn vị không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thời điểm Tết để tăng giá dây chuyền, tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

V.H (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tang-cuong-cong-tac-quan-ly-khong-de-khan-hang-sot-gia-dip-tet-nguyen-dan-62931.html

In bài viết