Ấn Độ triển khai xe cứu thương dành riêng cho... bò
Theo tờ The Guardian, 5 chiếc xe cứu thương đầu tiên đã được triển khai ở bang Uttar Pradesh. Kinh phí hoạt động của đội xe được Gau Vansh Raksha (GVR) - một tổ chức phi chính phủ đang vận hành mạng lưới viện an dưỡng cho bò (gau shala) - tài trợ.
Ông Sugandh Kumar, Phó Chủ tịch GVR, chia sẻ rằng: bò là loài động vật được tôn kính ở Ấn Độ và cần được chăm sóc đặc biệt. Ông cho biết dịch vụ xe cứu thương đã nhận được khoảng 200 cuộc gọi và có thể phục vụ cho khoảng 25 con bò mỗi ngày.
Trong khi đó, ông Sanjay Rai, người đứng đầu GVR, cho biết ông đã quan tâm đến việc bảo vệ bò từ gần 10 năm nay, nhưng thiếu nguồn lực tài chính để triển khai dịch vụ cứu thương. "Chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ từ phía chính phủ", ông nói thêm.
Bò là loài động vật được người Hindu tôn sùng
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người thắng cử năm 2014 với cuộc vận động ban hành lệnh cấm giết mổ bò trên toàn quốc, đã triển khai hàng loạt dự án nhằm nâng cao phúc lợi cho loài động vật 4 chân này.
Tháng trước, Bộ Nội vụ Ấn Độ lên kế hoạch cấp nhận dạng riêng cho toàn bộ 190 triệu con bò trên cả nước. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu động vật sang nước láng giềng Bangladesh hoặc một số bang trong nước - nơi có thể giết mổ gia súc.
Bộ này cũng đang nghiên cứu kế hoạch thành lập mạng lưới các "gau shala" trên toàn quốc để trợ giúp cho những con bò không được chăn thả mà đang đi lang thang trên đường phố, đồng ruộng. Theo điều tra gần đây, số lượng của chúng lên tới 5,3 triệu con.
Người dân địa phương chào đón sự ra mắt của dịch vụ xe cứu thương đặc biệt
Tại Ấn Độ, phong trào bảo vệ bò nổi lên lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19. Vấn đề này thường gây căng thẳng với nhóm người Hồi giáo thiểu số và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn kể từ khi ông Modi nhậm chức.
Hầu hết người theo đạo Hindu đều tránh sử dụng thịt bò. Tuy vậy, ở miền Nam nước này, những người theo tôn giáo thiểu số vẫn coi thịt bò là một nguồn cung cấp protein giá rẻ.
Các nhà phê bình chỉ trích ông Modi cũng như phong trào dân tộc của người Hindu, nói rằng mối đe dọa đối với loài bò đã bị "thổi phồng". Họ cũng phản đối việc sử dụng phúc lợi của bò để kích động tư tưởng chống Hồi giáo trong những người Hindu.
Hồng Anh