5 lí do bạn chưa trở thành sếp
Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn
Bạn chưa chứng minh được kỹ năng quản lý
Một điều quan trọng bạn cần biết là thăng tiến không chỉ là đảm nhận một vị trí cao hơn mà nó còn mang đến nhiều trách nhiệm quản lý nặng nề khác. Vì vậy, theo Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink mặc dù bạn là một nhân viên giỏi trong công việc nhưng nếu bạn không thể hiện rằng mình có khả năng lãnh đạo hiệu quả thì có thể bạn sẽ bị “loại” khỏi cuộc đua thăng tiến.
Mọi người đều nghĩ rằng họ có thể quản lý những người khác, rằng đó là một điều dễ dàng nhưng trên thực tế điều này rất phức tạp và vô cùng khó khăn. Nếu bạn không có bất kỳ nỗ lực nào để cố gắng đạt được những kỹ năng lãnh đạo cần thiết thì chắc rằng bạn sẽ không vươn đến được vị trí mong muốn. Một trong nhiều cách để cải thiện hạn chế này là chủ động đảm nhận vai trò đứng đầu trong các nhiệm vụ hay dự án và kết nối các đồng nghiệp cùng cố gắng vì mục tiêu chung. Hãy thể hiện rằng bạn có thể lãnh đạo ngay cả khi không có thẩm quyền chính thức và người quản lý của bạn sẽ nhận thấy điều đó.
Bạn không vượt quá mong đợi ở vị trí hiện tại
Một lí do khác mà bạn có thể không được thăng chức là bởi vì quá tập trung vào trách nhiệm với các công việc trong bản mô tả. Là một người quản lý đòi hỏi rất nhiều sự “hy sinh”, nếu bạn đang chỉ làm những nhiệm vụ được phân công, bạn sẽ không được xem là một người có thể đảm nhận vai trò này. Để chứng minh bản thân xứng đáng được thăng chức, bạn cần thể hiện khả năng của mình vượt ra khỏi yêu cầu của vị trí hiện tại. Nếu đồng nghiệp của bạn vẫn còn đang làm việc khi bạn chuẩn bị ra về, thay vì rời đi, hãy hỏi xem bạn có thể giúp họ làm gì để cả hai có thể ra về cùng lúc. Thêm vào đó, hãy xem lại mô tả công việc và đảm bảo bạn đang hoàn thành tốt mọi thứ, đồng thời xung phong đảm nhận các nhiệm vụ khác bằng cách hỏi sếp nếu họ có bất kỳ nhiệm vụ hoặc thách thức mới nào bạn có thể thực hiện hoặc trợ giúp. Cần cho sếp thấy rằng bạn có thể áp dụng các kỹ năng của mình trong nhiều công việc khác nhau và bạn sẽ có nhiều cơ hội được thăng tiến hơn.
Bạn không xử lý tốt các phản hồi
Những lời phê bình mang tính xây dựng có thể là một “cú sốc” cho cái tôi của bạn trong ngắn hạn nhưng đó là điều cần thiết cho sự phát triển nghề nghiệp trong dài hạn. Vì vậy, khi nhận được các phản hồi tiêu cực, đừng làm theo bản năng để tranh cãi về việc nó đúng hay sai. Nếu bạn cố gắng “phòng thủ” khi ai đó đưa ra những lời phê phán thì đó là dấu hiệu để người quản lý cho rằng không nên đề cử bạn vào vị trí cao hơn.Nếu muốn thăng chức, bạn phải sẵn sàng chấp nhận và sử dụng những phản hồi để cải thiện hiệu suất của mình.
Ngoài ra, nhân viên sẽ chú ý và “sao chép” thái độ của người lãnh đạo họ. Thái độ tiêu cực của một người lãnh đạo sẽ tạo ra một môi trường làm việc tiêu cực, và đây là một lí do rất quan trọng vì sao bạn chưa được thăng chức.
Bạn chưa nhận được đánh giá năng lực chính xác
Nhiều nhà quản lý thường đưa ra các đánh giá cao về nhân viên của mình với ý nghĩ lời khen ngợi đó sẽ là động lực giúp họ “bay cao và bay xa” hơn nữa. Tuy nhiên, điều này lại không giúp bất cứ nhân viên nào có cái nhìn thực tế về khả năng của họ và những gì họ cần cải thiện. Nếu bạn thường xuyên nhận được những lời đánh giá tuyệt vời về năng suất nhưng không được thăng tiến trong sự nghiệp, thì đó là lúc cần bỏ qua những lời khen đó và có cuộc nói chuyện chân thành với người quản lý về những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, tiêu chí để được thăng tiến và cần làm thế nào để bạn đạt được chúng.
Không ai biết bạn muốn giữ vai trò quản lý
Không phải ai cũng muốn được đảm nhận vị trí quản lý, vì vậy nếu bạn không thể hiện mong muốn của mình, cấp trên của bạn sẽ không biết được. Ngoài ra, sếp của bạn có thể rất bận rộn và không dành thời gian để tìm hiểu bạn. Do đó, hãy nói với họ rằng bạn rất quan tâm đến sự phát triển nghề nghiệp và sẵn sàng cho một thử thách mới. Điều này sẽ giúp tăng sự hiểu biết về bạn và có thể họ sẽ tạo nhiều điều kiện tốt hơn giúp bạn đạt được vị trí mong muốn nếu bạn thực sự có khả năng.
Hoàng Oanh