10 thói quen giúp nam giới tuổi 20 trưởng thành một cách đúng nghĩa
Thực tế đã chứng minh, nam giới ở mỗi lứa tuổi lại có những khủng hoảng khác nhau. Giai đoạn 20 - 25 tuổi của đàn ông được coi là quan trọng nhất, vì con người mà anh ta xây dựng khi đó sẽ tồn tại cho tới... cuối đời.
Tuổi trẻ là một chuỗi dài những hoang mang, lo lắng, không biết đi đâu, làm gì... 10 thói quen dưới đây có thể giúp bạn tạo nên nền tảng cho một người đàn ông trưởng thành đúng nghĩa trong tương lai, hết cảnh "dở ông, dở thằng".
Luôn ưu tiên quản lý thời gian
Với sự hỗ trợ về công nghệ đến tận răng trong thời đại này, chẳng có lý do gì để bạn nói rằng mình không thể quản lý thời gian của bản thân.
Gmail giờ đã có thêm tính năng tự động thông báo sự kiện khi chúng xuất hiện trong mail, hoặc ứng dụng Wunderlist có thể giúp bạn chia nhỏ công việc, thực hiện từng phần và kiểm tra tiến độ. Nếu bạn dễ bị phân tâm, hãy tải về ứng dụng Go F*cking Work!, nó sẽ chửi bạn thậm tệ bằng chữ viết hoa nếu bạn mải lướt Facebook mà lơ là công việc.
Quản lý thời gian của bản thân là một chuyện, hãy tôn trọng cả thời gian của người khác. Bằng việc đến đúng giờ tại những buổi hẹn, sẽ cơ bản thể hiện sự tôn trọng. Nếu bạn cứ để người khác chờ đợi mà không thông báo rằng bạn sẽ đến muộn, bạn đang nói với họ rằng "đừng coi tôi ra gì".
Học cách cân bằng cuộc sống
Trên thực tế, khi con người còn trẻ, họ sẵn sàng hy sinh sức khỏe để đổi lấy niềm vui và của cải. Sau đó, nhiều năm trôi qua, khi họ đã nhiều tuổi hơn và khôn ngoan hơn, họ thừa nhận rằng họ có thể hy sinh tất cả của cải của mình để đổi lấy sức khỏe.
Người ta có thể cho rằng, sức khỏe là sự sở hữu quan trọng nhất mà nếu như bạn không có nó, sự giàu có của cuộc sống sẽ không thể đến với bạn. Thông thường, không phải chúng ta không có đủ thời gian, mà chỉ vì chúng ta không có đủ kiên nhẫn để vạch ra mục tiêu giữ gìn sức khỏe và thực hiện cho đến cùng.
Để có được bất cứ điều gì, chúng ta đều phải đánh đổi. Tuy nhiên, hãy học cách cân bằng giữa thể chất, tinh thần và tiền bạc.
Học cách quản lý tiền sau khi kiếm ra tiền
Nỗ lực để kiếm tiền một cách chân chính là điều ai cũng muốn làm, tuy nhiên quản lý tiền thế nào mới là quan trọng.
Đến một thời điểm nhất định, tất cả chúng ta bắt buộc phải độc lập tài chính. Bỏ quên kỹ năng quản lý tài chính ở hiện tại dễ dàng khiến bản thân rơi vào khủng hoảng trong tương lai. Khi đó, những thói quen chi tiêu không kiểm soát trước đây sẽ vô hình chung khiến người trẻ phải vật lộn với các khoản chi, nợ nần chồng chất...
Một cách khác có thể thực hiện ngay là đặt mục tiêu tiết kiệm trong vài tháng tới, tự tin có được khoản tiền nhỏ để tự đi du lịch mà không cần gia đình hỗ trợ hay để dành tiền học một ngôn ngữ mới. Khi đã có mục tiêu cụ thể, những mẹo phân chia thu nhập sẽ phát huy tác dụng tối đa. Ví dụ, quy tắc 10-10-10-10-5-55, dùng 10% thu nhập cho tiết kiệm hoặc đầu tư sinh lời, 10% cho giáo dục. Cũng tỷ lệ đó cho việc trả nợ hay mua đồ xa xỉ và 10% tiếp theo cho hưởng thụ. Tiếp đến 5% sẻ chia và 55% chi trả chi phí sinh hoạt.
Luôn học hỏi, luôn sáng tạo
Là một người lớn (kể cả sinh viên chưa ra trường), bạn có thể học bất cứ thứ gì mình muốn, thứ gì bạn cảm thấy phù hợp. Dù thứ bạn học chẳng thêm được dòng nào vào CV thì cũng không sao, đó là một cách rèn luyện trí não. Bạn biết đấy, có một sự thật là càng nhiều tuổi con người sẽ càng ngại học hỏi vì bộ não đã trì trệ.
Nếu công việc hiện tại không cho bạn cơ hội để học hỏi hay sáng tạo những gì mình muốn, hãy suy nghĩ về chuyện... nhảy việc. Học, học và học, chỉ cần một vài ngày không có thêm thứ gì mới vào đầu có nghĩa là bạn đang đi chậm hơn thời đại này rồi. Hãy chọn lọc, học những gì giúp ích được cho bạn và càng thực tế càng tốt.
Lắng nghe, suy nghĩ rồi hãy nói
Sự chính trực và đồng cảm chính là hai trong số nhiều kỹ năng giao tiếp bạn phải trau dồi trước năm 25 tuổi. Đừng ngại bày tỏ ý kiến của bạn, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn không xúc phạm hay dựng chuyện về người khác trong khi không biết sự thật ra sao.
Lần tiếp theo khi nói chuyện với người khác, hãy lắng nghe và nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của họ.Học được cách thấu hiểu và đồng cảm chính là sự chuẩn bị tốt cho tương lai cá nhân và nghề nghiệp của bạn.
Chấm dứt việc phớt lờ sức khỏe
Những năm 20 tuổi là thời gian được xem như sung sức nhất của tuổi trẻ, điều đó khiến bạn lầm tưởng rằng mình có thể làm nhiều thứ tệ hại với bản thân mà không cần lo lắng.
Sai, suy nghĩ đó rất sai lầm vì hậu quả sẽ không đến ngay mà có thể 10-15 năm nữa bạn mới cảm nhận được. Dù có cảm thấy khỏe mạnh hay minh mẫn đến thế nào, đừng rời xa việc vận động và luyện tập thể thao. Sự hồi phục và tập trung của bạn sẽ tốt hơn nếu cân bằng được các yếu tố dinh dưỡng, ngủ nghỉ và tập thể dục.
Nếu đang bận rộn và không có đủ thời gian đến phòng gym, hãy dành ra ít phút mỗi ngày để luyện tập theo phương pháp bodyweight (dùng chính trọng lượng của cơ thể để luyện tập) như chống đẩy, lên xà, squat...
Luôn nhớ rằng, dù điều kiện thể chất và tinh thần của bạn có tốt đến mấy vẫn cần rèn luyện, nếu không chúng sẽ mai một dần dần đến khi bạn chẳng còn sức khỏe để làm gì nữa.
Không bốc đồng, không nhất thiết phải làm hài lòng tất cả mọi người
Sự bốc đồng là một đặc điểm của tuổi trẻ, tuy nhiên nếu không kiểm soát nó bạn sẽ dễ dàng gây tổn thương cho bản thân và người khác.
Thời gian của bất cứ ai cũng đều quý giá, vì vậy đừng phí phạm thời gian với những người, những thứ mà bạn không thực sự thích. Ngoài ra gia đình, tìm những người thực sự quan trọng với bạn và dành thời gian cho họ, dù đi bất cứ đâu cũng đừng để mất liên lạc với những người mà bạn có mối quan hệ tốt.
Mỗi người lớn lên, thay đổi và tiếp tục những gì mình đã chọn. Hãy tỉnh táo, không cố chấp và luôn nhận ra được sự tốt xấu của mỗi cá nhân.
Tự chăm sóc bản thân bằng những gì tốt nhất có thể
Ngoài vấn đề sức khỏe và dinh dưỡng, hãy chăm sóc bản thân bằng những món đồ chất lượng và phù hợp (ngoại hình và túi tiền).
Mặc kệ xu hướng và hiệu ứng đám đông, khoác lên người những gì bạn thích miễn là chúng không gây khó khăn cho bạn khi đi học hoặc đi làm. Đôi giày bạn đi hàng ngày đã rách mõm, quần áo đã sờn vải thì đã đến lúc mua sắm thứ mới để thay thế, luôn nhớ rằng "tiền nào của nấy", đừng tiếc tiền cho những món đồ có độ bền cao và sử dụng được lâu dài. Đầu tư đúng đắn nhưng đừng vung tay quá trán để rồi rơi vào cảnh nợ nần.
Học hỏi một cách thông minh
Dù là môi trường quốc tế hay Việt Nam nói riêng, trình độ Đại học không còn nói lên tất cả, cũng không đảm bảo mức lương tuyệt đối cho những người trẻ tuổi nữa.
Thực tế đã chứng minh có bằng cấp không còn quan trọng như trước nữa, có nhiều con đường cho bạn lựa chọn. Tuy nhiên, học Đại học chưa bao giờ là con đường không nên đi.
Mọi người bẩm sinh đều có một động lực mạnh mẽ là muốn học. Những đứa trẻ nâng dần các kỹ năng của chúng mỗi ngày. Không chỉ là những kỹ năng bình thường mà là những kỹ năng khó nhất của đời người như học đi, học nói. Chúng không bao giờ quyết định xem việc đó có quá khó không hay có đáng làm không. Những đứa trẻ không lo lắng về chuyện phạm lỗi hay tự giễu mình. Chúng đi, chúng ngã, chúng đứng dậy. Chúng cứ tiến về phía trước. Tuy nhiên, ngay khi đứa trẻ có thể tự đánh giá về bản thân, một vài đứa lại sợ những thử thách. Học hỏi những thứ có ích cho bản thân một cách thông minh và hiệu quả nhất
Ngừng quan tâm đến những điều vô lý
Khi trải qua những năm tháng của tuổi 20, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học và đi làm, bạn bè xung quanh bạn bắt đầu có được những thứ mà xã hội luôn mong đợi ở một người "trưởng thành": một công việc ổn định, có người yêu (thậm chí kết hôn), xe cộ...
Xã hội thường cho rằng nếu đã đủ tuổi mà không có một hay nhiều thứ kể ra bên trên - nghĩa là bạn đã tụt hậu. Ai khẳng định đó là tụt hậu? Không hề có một căn cứ nào hết. Thực tế chuyện tình cảm, lập gia đình, mua nhà mua xe... phần lớn không nằm trong quyền kiểm soát của những người còn quá trẻ.
Thật lố bịch khi bạn quyết định đi đến kết hôn khi vẫn chưa thực sự trưởng thành đúng không? Hàng năm vẫn có hàng trăm nghìn đám cưới như vậy diễn ra, quay lại vẫn là do bạn chưa trưởng thành...
Có một giải pháp rất đơn giản để giải quyết vấn đề này: ngừng quan tâm đến những thứ vô lý mà người khác vẫn áp đặt lên bạn. Tiêu chuẩn hạnh phúc là vấn đề cá nhân của mỗi con người tự đáp ứng cho riêng mình. Dừng việc so sánh bản thân với người khác càng sớm, con đường của bạn sẽ càng rõ ràng.
Theo Highsnobiety
Long.J